Để thanh, kiểm tra không còn là “vấn nạn”

10:41 - Thứ Năm, 15/12/2016 Lượt xem: 2523 In bài viết

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/lần, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho doanh nghiệp biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện doanh nghiệp vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật). Thủ tướng cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế, một doanh nghiệp có thể phải tiếp 16 - 17 đoàn thanh tra trong một năm. Lâu nay việc doanh nghiệp phải chịu thanh tra, kiểm tra chồng chéo không có gì là lạ. Ngay cả ở một lĩnh vực, đoàn thanh tra này vừa ra thì đoàn thanh tra khác lại vào. Dư luận cũng phản ánh, doanh nghiệp nào “quan hệ tốt” thì sẽ ít bị hoặc không bị thanh tra. 


Điều này là một trong những nguyên nhân làm triệt tiêu động lực của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp có tâm lý chán nản. Có nhiều ý kiến nêu rằng, chỉ cần một lá đơn khiếu kiện doanh nghiệp do một người đứng đơn và một vài người “không liên quan” ký tên là lập tức các cơ quan chức năng quyết liệt “vào cuộc” điều tra doanh nghiệp. 

Trong một báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho biết, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về quản lý chuyên ngành. Thực tế thời gian qua cho thấy công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu chưa có sự cải thiện (ngoại trừ một số ít lĩnh vực như kiểm dịch thực vật,…). Việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết vẫn đang là trở ngại, gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí và gây bức xúc trong doanh nghiệp. Tình trạng chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến. Tình trạng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật trong cùng lĩnh vực hoặc thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, với các cách quản lý khác nhau. Thậm chí, có mặt hàng còn phải chịu sự quản lý khác nhau của các đơn vị trong cùng một bộ. 

Dĩ nhiên, cũng không thể vì tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn mà buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra. Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm tính đến cuối tháng 9-2016, toàn ngành tài chính đã thực hiện xấp xỉ 56.500 cuộc thanh tra, kiểm tra và gần 11.300 vụ bắt giữ qua điều tra chống buôn lậu. Qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 23.200 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2.000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực hải quan, 9 tháng đầu năm 2016, toàn hệ thống đã triển khai thực hiện 48 cuộc thanh tra chuyên ngành; số tiền kiến nghị truy thu đạt khoảng 22,6 tỷ đồng; truy hoàn gần 890 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,5 tỷ đồng; đã thu nộp ngân sách nhà nước 28,4 tỷ đồng… Điều đó cho thấy, thanh tra, kiểm tra là chức năng quản lý nhà nước rất quan trọng để kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh, ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ những sai phạm đó.

Vấn đề đặt ra là đã thanh tra  thì phải ra thanh tra; đã xử lý thì phải xử lý cho thật đúng mức. Tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra rồi để đó hoặc “giơ cao đánh khẽ”, hoặc chỉ là cơ hội để trục lợi gây mất lòng tin của doanh nghiệp, người dân, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Mặt khác, bên cạnh chế tài về tài chính, cần có các hình thức chế tài khác thực sự nghiêm khắc mà các doanh nghiệp phải gánh chịu nếu gây ra các vi phạm nghiêm trọng, nhất là những sai phạm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Chỉ khi xử lý thật nghiêm minh, thật công khai, minh bạch thì mới có thể đủ sức răn đe doanh nghiệp mà không cần phải rầm rộ thanh tra, kiểm tra rồi “phạt và cho tồn tại”.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top