Y tếSức khỏe

Không chủ quan khi bị rau tiền đạo

08:24 - Thứ Hai, 13/06/2022 Lượt xem: 9874 In bài viết

ĐBP - Rau tiền đạo là một trong những biến chứng thai kỳ gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thai phụ được chẩn đoán mắc rau tiền đạo cần nhập viện theo dõi chặt chẽ, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ để có đánh giá chính xác, toàn diện, có quyết định chấm dứt thai kỳ thích hợp.

Bác sĩ thăm khám cho sản phụ bị rau tiền đạo đang điều trị tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chị V.T.D. (36 tuổi, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà) mang thai lần thứ 6, tuần thai 34 được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng chảy máu nhiều, nguy cơ tử vong cao cả mẹ lẫn con. Bác sĩ Ngô Thị Nhung, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi bệnh nhân nhập viện, ra máu nhiều, qua thăm khám, chẩn đoán thai 34 tuần, rau tiền đạo. Trường hợp này nếu không mổ lấy thai gấp, cả hai mẹ con có thể gặp biến chứng xấu, mẹ không cứu được do mất máu nặng, con trong bụng cũng nguy hiểm tính mạng vì ngạt. Ca phẫu thuật thành công, em bé chào đời nặng 2kg, sản phụ đã qua cơn nguy kịch nhưng phải cắt bỏ tử cung và trẻ sơ sinh phải chuyển xuống khoa Nhi để thở máy. Đây là một trường hợp sản phụ đã sinh con nhiều lần, không khám thai định kỳ.

Rau tiền đạo là hiện tượng rau thai bám một phần hoặc toàn bộ đoạn dưới tử cung và gây chảy máu vào 3 tháng cuối của thai kỳ cũng như trong chuyển dạ và sau khi sinh. Triệu chứng thường gặp của rau tiền đạo là xuất huyết âm đạo bất thường (máu màu đỏ tươi), thường xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Xuất huyết có thể ít hoặc nhiều, đông cục lại, không kèm theo đau bụng. Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị; tuy nhiên, xuất huyết có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Lần tái phát sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước. Rau tiền đạo dễ bị gặp ở một số phụ nữ nạo hút thai nhiều lần; sinh đẻ nhiều lần; tiền sử bị viêm nhiễm tử cung; thai phụ đã từng mắc rau tiền đạo ở những lần mang thai trước; rau thai lớn, do mang đa thai; mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi); tử cung có hình dạng bất thường; thường xuyên sử dụng chất kích thích như thuốc lá.

Rau tiền đạo có biến chứng rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Đối với thai phụ có thể gây xuất huyết tái phát nhiều lần trong thai kỳ khiến thai phụ thiếu máu, dễ sinh non; trường hợp rau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau sinh bánh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng, thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung. Đối với thai thi, mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai suy dinh dưỡng, suy thai; khi mẹ xuất huyết quá nhiều, để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp, mặc dù thai chưa đủ tháng khiến trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp; thai nhi khó xoay đầu xuống dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược (ngôi mông hoặc ngôi ngang) dễ xảy ra.

Bác sĩ Nhung khuyến cáo, để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, tránh được biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, cần hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, hạn chế các thủ thuật nạo, hút thai; thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đẻ ít con; tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết; nghỉ ngơi, tránh việc nặng nhọc; khám thai đầy đủ tại các cơ sở y tế gần nhất để phát hiện sớm những bất thường để xử lý kịp thời. Nếu có ra máu bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, nhập viện theo dõi khi được chẩn đoán mắc bệnh ở những tháng cuối thai kỳ.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top