Y tếSức khỏe

Nguy cơ ngộ độc khi dùng lá lộc mại

14:28 - Thứ Hai, 01/08/2022 Lượt xem: 7458 In bài viết

Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour (thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae). Ở nước ta, cây có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi. Cây lộc mại cũng có nhiều loại như: Lộc mại trái láng, lộc mại nhỏ, lộc mại lá dài. Tại một số vùng miền núi, cây lộc mại được trồng trong vườn nhà. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông rằng không nên sử dụng lá lộc mại vì có thể gây ngộ độc nhưng nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn coi đây là thuốc để chữa bệnh.

Thực tế ở các vùng nông thôn, miền núi, vì nghe lời mách bảo, nhiều người thường xuyên uống nước hoặc nấu canh lá lộc mại để chữa táo bón, kiết lỵ... Ban đầu, chỉ sử dụng một ít lá lộc mại để nấu canh ăn hoặc nấu nước uống thấy cải thiện tình trạng táo bón nên nhiều người đã tiếp tục dùng để uống. Nhưng chỉ một thời gian sau, có những trường hợp bị ngộ độc, đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Các biểu hiện thường gặp sau khi ăn lá cây lộc mại là: Nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Trường hợp đến viện quá muộn có nguy cơ tử vong.

Để phòng tránh ngộ độc lá cây lộc mại, người dân không được tự ý sử dụng loại lá cây này để chữa bệnh bởi dễ dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và gia đình. Cần ghi nhớ, tốt nhất là chỉ dùng thuốc khi đã được khám và có chỉ định của bác sĩ.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top