Y tếSức khỏe

Cảnh báo nhiều người trẻ mắc bệnh tim mạch

10:06 - Thứ Hai, 10/07/2023 Lượt xem: 4443 In bài viết

Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài nhiều ngày qua ở các tỉnh phía Bắc khiến cho các ca vào nhập viện cũng gia tăng, trong đó có đột quỵ, tim mạch… Không chỉ người già, bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hoá, thậm chí thanh niên hơn 20 tuổi cũng bị nhồi máu cơ tim; có trường hợp hơn 30 tuổi, tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh đã đột ngột vỡ tim.

Người trẻ cũng ngừng tim

Theo Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, cứ 3 người trên 25 tuổi thì ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi. Nếu như trước đây, tim mạch là bệnh của người già thì nay đã trẻ hoá, thậm chí có người tiền sử không bệnh tật, không nghiện rượu, thuốc lá cũng đột ngột ngừng tim. Thống kê của Viện Tim mạch, trong tổng số 3.500-4.000 trường hợp can thiệp tim mạch tại Viện 1 năm, người dưới 40 tuổi chiếm 15-17%.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tim mạch. Ảnh minh họa.

Điển hình là trường hợp hơn 31 tuổi, vừa được các bác sĩ Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai cứu sống một cách ngoạn mục. Anh này vốn là người hoàn toàn khoẻ mạnh, vẫn chơi thể thao đều đặn. Khoảng 5 ngày trước vào viện, anh xuất hiện các cơn ho, khạc đờm trắng đục, sốt cao 39 độ kèm đau rát họng. Với triệu chứng này, anh tưởng mình mắc COVID-19 nhưng xét nghiệm âm tính. Tình trạng sau đó không thuyên giảm, sốt cao và mệt, bệnh nhân đã đi khám.

Tại bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có phình ở thành sau thất trái, theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và chuyển lên Đơn vị Hồi sức cấp cứu C1 – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán khối phình sau thành thất trái rất mỏng, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau 1 đêm được theo dõi sát sao, sáng ngày hôm sau, bệnh nhân đột ngột ngừng thở, ngừng tim, mất hoàn toàn ý thức và rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”…

Nhận định đây là tình huống “vỡ tim” phải mổ mở gấp, Viện Tim mạch đã báo động đỏ và trực tiếp TS.BS Dương Đức Hùng – Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch C8 đã phẫu thuật cứu bệnh nhân. Sau 3 tiếng căng thẳng, ca phẫu thuật đã tạo hình lại buồng tim đã vỡ cho người bệnh. Theo TS Dương Đức Hùng, đây là một tổn thương nặng, khó xử lý, tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt là mổ trong tình trạng tối cấp cứu và bệnh nhân đã có ngừng tim trước mổ. Vì thế, mọi việc triển khai ca phẫu thuật mang đúng tính chất “cướp thời gian”, tức là chỉ cho phép trong vài phút.

Theo PGS.TS.BS Tạ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, tại nước ta, trong những năm gần đây, người dưới 40 tuổi bị tăng huyết áp chiếm tới 20% và ngày càng trẻ hoá. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch được chú ý nhiều nhất. Tăng huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả yếu tố béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể. Có người 30-40 tuổi, thậm chí 27-28 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Nhiều trẻ nhỏ đã bị béo phì và đái tháo đường, có trẻ bị đái tháo đường tuyp 2 – bệnh mà trước đây chỉ có ở người già, đây là nguy cơ rất đáng lo ngại.

Nguyên nhân nào dẫn tới người trẻ mắc bệnh tim mạch?

GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch là béo phì, stress, nghiện thuốc lá, rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nhiều thịt ít rau, lười vận động... Bệnh tim mạch hiện đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất.

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người trẻ bị tim mạch nhập viện có liên quan đến thói quen hút thuốc lá. Vào cuối tháng 6 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã cấp cứu trường hợp nam bệnh nhân mới 31 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Tìm hiểu ra nguyên nhân dẫn đến anh này còn trẻ mà đã mắc căn bệnh nguy hiểm là do nghiện thuốc lá.

Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày hút từ nửa bao đến 1 bao thuốc lá, khi thấy ngực trái âm ỉ đau mới tới bệnh viện. Tuy còn trẻ, song qua thăm khám, bác sĩ còn phát hiện anh này còn bị đái tháo đường, mạch vành phải tắc hoàn toàn và rơi vào nguy kịch. Các bác sĩ đã phải can thiệp nong bóng, đặt stent vào động mạch vành phải để tái thông dòng chảy cho mạch vành tưới máu cơ tim thì mới cứu sống được người bệnh.

Từng cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, anh N.V.T (35 tuổi, Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ anh nghĩ có ngày mình bị ngừng tim đột ngột ở độ tuổi còn trẻ. Anh T vốn có sức khoẻ rất tốt, không mắc bệnh nền. Bỗng một buổi sáng leo cầu thang anh thấy khó thở và mệt, sau đó ngực bỗng đau nhói và ngã gục xuống đất. Khi đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân khiến anh nhồi máu cơ tim là do thói quen hút thuốc lá từ 20 năm nay. Anh T hút cả thuốc lá truyền thống (1 bao/ngày) và gần đây còn hút thuốc lá điện tử. Sau ca bệnh “thập tử nhất sinh”, sức khoẻ anh giảm sút, không được vận động mạnh, nên anh đã quyết tâm “cai thuốc”.

ThS.BS Đinh Danh Trình – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, thực tế những biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều. Hút thuốc lá gây xơ vữa động mạch, theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim. Nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng, gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não… thậm chí là ngừng tim.

Theo lời khuyên của bác sĩ, để giảm nguy cơ tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim ở người trẻ, cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý động mạch vành, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top