Y tếSức khỏe

Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa: Chủ động kiểm soát, ứng phó, phân tầng điều trị

16:42 - Thứ Hai, 31/07/2023 Lượt xem: 5472 In bài viết

Do mật độ và lượng mưa ngày càng tăng cao, tình hình sốt xuất huyết (SXH), bệnh tay chân miệng (TCM) ở nhiều địa phương phía Nam, trọng tâm là TP Hồ Chí Minh, diễn biến phức tạp. Số ca tăng mạnh, nhiều ổ dịch xuất hiện, nguy cơ "dịch chồng dịch".

Các cơ sở y tế của thành phố những ngày qua tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân nặng từ nhiều địa phương trong vùng chuyển đến điều trị. TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng, chống dịch, chủ động ứng phó, huy động nguồn lực thu dung, điều trị bệnh nhân SXH, TCM trở nặng cho cả khu vực phía Nam.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ “dịch chồng dịch”

Những ngày cuối tháng 7, khu vực khám và điều trị SXH, TCM ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) luôn trong tình trạng quá tải. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng diễn ra tình trạng tương tự khi tiếp nhận gần 4.000 ca SXH khám và điều trị, trong đó có nhiều ca trong tình trạng suy hô hấp nặng. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, số ca TCM nhập viện tuần gần đây đã tăng đến 200 ca, gấp 4 lần so với các tuần trước; nhiều ca rơi vào tình trạng nặng, phải đặt nội khí quản, hồi sức tích cực... Hiện tại, khoa huy động 100% nhân viên y tế tham gia trực và được nhân viên y tế từ các khoa khác hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân SXH, TCM. Dự báo, bệnh TCM, SXH sẽ tiếp tục tăng mạnh những tháng tới. Công tác thu dung, điều trị được Khoa Nhiễm-Thần kinh nói riêng và Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai theo phương án, kế hoạch, bảo đảm tốt nhất.

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết. Ảnh: Đồng Kim 

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra báo cáo ghi nhận tình hình SXH, TCM rất phức tạp, số ca tăng bất thường, dịch bùng phát sớm hơn mọi năm. Cao điểm của dịch SXH thường rơi vào những tháng cuối mùa mưa (tháng 10, tháng 11 hằng năm), nhưng trong tháng 5 và tháng 6-2023 đã ghi nhận số ca nhiễm SXH liên tục tăng mạnh, đến đầu tháng 7 đã có hơn 8.600 ca nhiễm. Riêng trong tháng 6-2023 ghi nhận 758 ca bệnh, với 331 ca nhập viện, điều trị. Hiện có 111 trường hợp đang điều trị nội trú, trong đó có 10 trường hợp nặng với 4 ca thở máy. Tỷ lệ bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 70%, nguyên nhân do quá khả năng điều trị.

Bệnh TCM đã xuất hiện 125 ổ dịch (trong đó có 70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng), tăng gấp gần hai lần so với cùng kỳ năm 2022 (64 ổ dịch). Trong tháng 6-2023, địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận 2.690 ca mắc, trong đó có 569 ca điều trị nội trú. Trong số 569 ca nhập viện có 118 ca nặng (tỷ lệ bệnh nhân từ các tỉnh phía Nam chuyển đến chiếm gần 76%). 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), công tác giám sát các ổ dịch đang được ngành y tế TP Hồ Chí Minh kích hoạt. Trên ứng dụng "Y tế trực tuyến", Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 100 tin nhắn phản ánh của người dân về những địa chỉ trong cộng đồng có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) có nguy cơ gây dịch bệnh SXH. Kết quả kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ bùng phát dịch SXH trong tháng 7-2023 cho thấy, tỷ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ được giám sát là gần 48% (49/103 điểm). Đây là con số đáng báo động, tỷ lệ này sẽ cao hơn vào những tháng cuối mùa mưa. 12/22 quận, huyện và 23/312 phường, xã có số ca bệnh SXH tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Chủ động phòng, chống, thu dung, điều trị

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dự báo, từ tháng 8 đến tháng 10-2023, số ca TCM, SXH sẽ tăng nhanh nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng, dịch bệnh sẽ kéo dài, xảy ra “dịch chồng dịch”, gây khó khăn cho việc ứng phó, điều trị. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, tác hại do hai loại dịch SXH, TCM rất lớn, gây gánh nặng điều trị, nguy cơ tử vong cao nên cần phải phòng ngừa, xử lý kịp thời các ca sốt cao quá 48 giờ đồng hồ. Công tác phòng ngừa dịch bệnh cần phải được thực hiện triệt để, tránh nguy cơ "dịch chồng dịch" trong những tháng tới. Phòng dịch TCM phải ở cả gia đình và trường học, còn phòng ngừa SXH phải cùng nhau diệt muỗi, lăng quăng; dọn dẹp, vệ sinh khu vực ngưng, đọng nước thì mới có hiệu quả.

Vận dụng các bài học kinh nghiệm từ phòng, chống dịch bệnh, năm 2023, UBND TP Hồ Chí Minh và ngành y tế đã chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với các loại dịch bệnh. Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, phòng, chống các loại dịch bệnh mùa mưa hay nắng nóng cực đoan có vai trò dự phòng rất lớn từ mỗi gia đình, cá nhân. Thói quen vệ sinh cá nhân; bảo vệ môi trường sống; phòng, chống lăng quăng phát sinh; phát hiện dấu hiệu bệnh để khám, điều trị kịp thời... cần luôn được đề cao. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là tuyến y tế cơ sở đẩy mạnh phân loại đúng, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ gây dịch tại địa bàn quản lý. 

Các biện pháp mới được ngành y tế TP Hồ Chí Minh triển khai hiện nay là tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch SXH, TCM ngay từ đầu năm thông qua nhiều kênh: Tuyên truyền trực tiếp, qua mạng xã hội... kết hợp với những biện pháp chủ động ứng phó, phân loại, phân tầng điều trị, sẵn sàng mọi tình huống dịch để xử lý, dập dịch. Đối với SXH, tập trung xử lý các điểm nguy cơ gây dịch, phân tầng thu dung, điều trị, triển khai quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện. Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường giám sát điểm nguy cơ SXH, những nơi không tuân thủ hướng dẫn sẽ bị xử phạt nghiêm. Đối với bệnh TCM, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản ứng phó bao gồm “3 cấp độ”, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện bệnh nhiệt đới.

Một điểm mới khác là ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ chuyên gia điều trị các loại bệnh truyền nhiễm SXH, TCM, hội chẩn, điều trị kịp thời các ca nặng ở những bệnh viện thuộc thành phố và các ca nặng chuyển tuyến từ các địa phương khác đến, bảo đảm chuyển viện an toàn. Mặt khác, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung, điều trị SXH, tăng cường duy trì hoạt động tổ chuyên gia điều trị SXH Dengue; tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ đối với người bệnh SXH. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh hỗ trợ tuyến, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế các địa phương để làm tốt công tác khám sàng lọc, phân loại, chuyển viện, điều trị, bảo đảm an toàn, chất lượng điều trị cho bệnh nhân, nhất là những trường hợp trở nặng, khẳng định vai trò hỗ trợ về điều trị bệnh truyền nhiễm chuyên sâu cho các địa phương phía Nam.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top