Hướng đến Olympic 2016 - Đúng người và đúng việc

00:00 - Thứ Năm, 02/06/2016 Lượt xem: 2860 In bài viết
Tuyên bố mới đây của lãnh đạo Tổng cục TDTT về việc thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2016 có vẻ đã chú trọng hơn đến chất lượng thành viên, thay vì dàn trải và vô tội vạ như ở nhiều kỳ xuất ngoại trước đây...

Đoàn thể thao Việt Nam sẽ loại bỏ những thành phần thừa thãi ở Olympic 2016.

Thể thao Việt Nam xưa nay có “tật” kéo quân đi ồ ạt nhưng không phải ai cũng thực sự xắn tay vào lo cho công việc chung, nhiều đối tượng chỉ đi cho vui hoặc thậm chí phản cảm hơn là sang nước ngoài để... đi mua sắm, dù vẫn gắn mác thành viên của Đoàn thể thao ở các kỳ SEA Games, Asian Games... Chuyện này báo chí đã phản ảnh nhiều và rất có lý khi cho rằng như thế là chi tiêu sai mục đích. Thế cho nên, trước mỗi lần thành lập Đoàn thể thao, giới quan sát luôn rất ưu tư về lực lượng thừa này. Về sau này, quân số được cắt giảm đáng kể để bớt gánh nặng kinh phí, đồng thời loại bỏ các thành phần “ăn theo” thiếu trách nhiệm.

Chuẩn bị cho Olympic 2016 tại Brazil, Đoàn thể thao Việt Nam dù chưa thành lập, nhưng lãnh đạo Tổng cục TDTT bắt buộc phải lên tiếng trước để trấn an dư luận và khẳng định số lượng tham gia công tác phục vụ đoàn không quá 50 người đăng ký với Ban tổ chức (dự kiến đoàn Việt Nam sẽ có 47 người). Theo đó, ngoài 2 đối tượng chính là HLV và VĐV, chỉ có lãnh đạo đoàn, bộ phận y tế, hậu cần được tham gia cuộc hành trình.

Trên thực tế, dựa vào tổng số VĐV giành được vé chính thức dự Olympic, Ban tổ chức mới phân bổ số lượng thành viên theo đoàn và với tinh thần tiết kiệm cho chính các quốc gia có VĐV tham gia tranh tài, đồng thời Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng khuyến cáo rằng những đối tượng không có trách nhiệm thì không nên “cố gắng” đi theo để thỏa mãn sở thích du lịch hoặc mua sắm.

Đây luôn là vấn đề nhạy cảm, bởi lẽ ngoài một số vị trí chủ chốt như Trưởng và phó Đoàn thể thao, những người được giao việc phục vụ VĐV và HLV về y tế, hậu cần, đối ngoại, chuyên gia... vẫn luôn có nhiều người không hiểu rõ vị trí công việc của mình đi theo để làm gì, chỉ biết rằng được “tặng quà” là chuyến đi thông qua sự gửi gắm từ nhiều nơi.

Còn nhớ, ở kỳ Olympic 2012, dư luận từng lên tiếng phàn nàn về việc dù chỉ có 18 VĐV chính thức tranh tài nhưng có đến 38 thành viên đi theo, trong đó lực lượng cán bộ đoàn, chuyên gia và HLV được cho là quá nhiều. Trưởng đoàn khi đó là ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho rằng như thế là hợp lý và tuân thủ đúng với quy định của BTC Olympic London.

Có lẽ, từ sau sự kiện đó, danh sách Đoàn thể thao Việt Nam đã được tinh giản quyết liệt, để tránh mang điều tiếng và gây phản cảm vì nhiều người đi nhưng không có mục đích chính đáng. Nguyên tắc “đi đúng người, làm đúng việc” vì vậy mới được chú trọng và theo thừa nhận từ phía Tổng cục TDTT, tất cả các thành viên của Đoàn thể thao dự Olympic 2016 đều phải tập trung vào phục vụ tối đa cho VĐV thi đấu giành thành tích cao.

 Đến hiện tại, Việt Nam đã giành được 19 suất chính thức tham dự Olympic ở các môn bắn súng (2 VĐV), TDDC (2 VĐV), bơi lội (1), cầu lông (2), rowing (2), cử tạ (4), đấu kiếm (3), vật (2), judo (1). Nữ võ sĩ judo Văn Ngọc Tú là người gần nhất lấy vé đến Brazil ở hạng cân 48kg. Trong khi đó, VĐV Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (bơi lội) vẫn đang hồi hộp chờ niêm yết danh sách cuối cùng của BTC.

TDDC là môn có lịch thi đấu sớm nhất tại Olympic vào đầu tháng 5. Theo kết quả bốc thăm được Liên đoàn thể dục thế giới (FIG) công bố, về nam, vòng loại cá nhân có 6 bảng đấu và VĐV Phạm Phước Hưng của Việt Nam nằm ở bảng 5 cùng các VĐV của Hungary, CHDCND Triều Tiên và Italia. Ở nội dung nữ, có 8 bảng tại vòng loại, VĐV Phan Thị Hà Thanh nằm ở bảng 8 cùng các đối thủ Ấn Độ, Guatemala, Slovakia và Thụy Điển.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top