Cầu lông Việt Nam: Nhộn nhịp nhà tài trợ

00:00 - Thứ Hai, 06/06/2016 Lượt xem: 3693 In bài viết
Chỉ việc nhìn thấy đại diện của các nhà sản xuất dụng cụ thể thao đang tài trợ cho những VĐV thi đấu giải quốc tế Ciputra Hà Nội 2016 liên tục có mặt trên sân đấu là thấy, bây giờ, nhiều thương hiệu biết được cầu lông đang là “mảnh đất màu mỡ” ra sao.

Nổi tiếng mới có giá

Người có hợp đồng tài trợ cá nhân mạnh nhất lúc này là Nguyễn Tiến Minh. Tay vợt của TPHCM đang được nhãn hiệu Mizuno (Nhật Bản) tài trợ lên tới 1 tỷ đồng/năm. Số tiền được cho là chưa ai vượt Tiến Minh được. Bên cạnh Tiến Minh, một số VĐV khác của Việt Nam không ít thì nhiều cũng được tài trợ cá nhân. Như Vũ Thị Trang đang được nhãn hiệu Li-ning (Trung Quốc) tài trợ không dưới 1.500 USD/tháng. Nhóm VĐV trẻ thì tùy từng người, mỗi cá nhân có các khoản tài trợ nhỏ lẻ khác nhau.

Thương hiệu Mizuno vừa đạt được thỏa thuận tài trợ Tiến Minh (trái).

Theo tìm hiểu, thương hiệu Yonex từng đến với Nguyễn Tiến Minh trong những ngày đầu tay vợt này mới nổi danh. Tuy nhiên, sau khi có nhiều thương hiệu khác chi phí mạnh hơn thì nhãn hiệu trên đã không thể chen chân vào. Mặc dù, họ từng nghĩ tới việc sẽ tiếp tục gắn kết với Tiến Minh sau năm 2015 nhưng sự chậm trễ đã không thể thành công. Vì thế, Mizuno là người đạt được thỏa thuận. Thấy một thực tế, VĐV Việt Nam được tài trợ như vậy là điều rất tốt và rất bình thường trong cầu lông chuyên nghiệp. Nhưng làm thế nào để các thương hiệu đạt được thỏa thuận mới là mấu chốt. Như Yonex, sau khi không còn tài trợ cá nhân thì họ tạm hài lòng ở việc là nhà cung cấp riêng cho đội cầu lông TPHCM.

Ít nhất về quảng bá hình ảnh, đây là đội tuyển có chuyên môn tốt nhất Việt Nam và liên tục vô địch trong các giải trong nước nên sản phẩm thương hiệu đã được quảng bá thuận lợi hơn. Đại diện của nhãn hiệu này ở Việt Nam cũng chia sẻ, “chúng tôi có nhiều khó khăn trong việc tài trợ cho VĐV. Đơn cử như khi cam kết tài trợ thì toàn bộ sản phẩm được chính hãng gởi từ nước ngoài về đích danh VĐV. Đó là mặt hàng theo quy định thuộc diện nhập khẩu nên sẽ phải kiểm định rồi đóng thuế. Vì thế, tới tay VĐV mất rất lâu thời gian. Người được tài trợ thì chỉ mong luôn có sẵn đồ được dùng luôn nên nhiều ràng buộc rất khó thực hiện”.

Trong quá trình các thương nhiệu vào Việt Nam kinh doanh thể thao ở bộ môn cầu lông, tất cả họ đều nhắm tới VĐV sẽ tạo hình ảnh tốt cho sản phẩm của mình. Tiến Minh là trường hợp riêng biệt. Ngoài Tiến Minh, rất ít tay vợt trẻ tạo được niềm tin cho nhà tài trợ nên chỉ một vài người mới hé lộ thì đã có không ít phía tìm mọi cách đạt được thỏa thuận đầu tiên.

Cạnh tranh nghẹt thở

Lúc này, hai sản phẩm của thương hiệu Astec (Indonesia) và Lotus (phân phối Flex Pro, Spiuto, Enlio) khá phổ biến cho người chơi cầu lông nghiệp dư và những VĐV tại miền Bắc nói riêng. Đây đều là sản phẩm do những người thuộc dân cầu lông “xịn” của Hà Nội đang tham gia quản lý.

Vì thế, từng thương hiệu trên đều có mọi cách để tài trợ cho những VĐV mà mình nhắm tới. Như Astec sẵn sàng chi mạnh tài trợ theo gói cho cá nhân VĐV (trước đây Vũ Thị Trang từng được, hiện có VĐV trẻ Thùy Linh). Còn công ty Lotus thì đẩy mạnh việc tài trợ dụng cụ cho các đội tuyển của Hà Nội thi đấu... Nhìn chung, từng mảng miếng lĩnh vực có thể tài trợ được trong cầu lông thì những thương hiệu trên đều cạnh tranh khá quyết liệt nắm lấy thị phần.

Giống như cầu lông nước ngoài, VĐV của chúng ta là người có quyền quyết định chọn sản phẩm nào sử dụng. Thế nhưng, ngoài những người nổi danh được nhà tài trợ tìm tới thì số đông VĐV và các CLB đang tập luyện, thi đấu muốn có người tài trợ sản phẩm thể thao cũng không được. Vì thế, họ sẽ phải chọn sản phẩm lựa theo túi tiền của mình. Sản phẩm nào rẻ nhất sẽ được ưu tiên. Vì câu chuyện giá cả và cũng vì thị phần quản lý mà một số người từ tình bạn đã trở nên căng thẳng không thể nói chuyện với nhau.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top