Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Hướng dẫn xử lý thuế với hàng viện trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai

08:43 - Thứ Tư, 25/11/2020 Lượt xem: 10913 In bài viết

Tổng cục Hải quan có Công văn 7129/TCHQ-TXNK ngày 6/11/2020 về việc xử lý thuế đối với hàng viện trợ khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai.

Trả lời Công văn số 833-20/JICA.RQ ngày 16/10/2020 của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA VietNam Office) về việc đề nghị được miễn thuế đối với lô hàng nhập khẩu viện trợ khẩn cấp cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ Ðiểm b, Khoản 4, Ðiều 2, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Ðối tượng chịu thuế không áp dụng đối với hàng hóa viện trợ không hoàn lại”. Khoản 19, Ðiều 5, Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định: “Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”. Khoản 2, Ðiều 3, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH11 quy định: “Ðối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không áp dụng đối với hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại”. Khoản 2, Ðiều 3 Nghị định 50/2020/NÐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ quy định: “Viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai” là các khoản viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của bên viện trợ để thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 32, Luật Phòng chống thiên tai, được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 9 tháng kể từ ngày thiên tai xảy ra”. Và Ðiểm c, Khoản 2, Ðiều 19 Nghị định 50/2020/NÐ-CP quy định: “Hồ sơ hải quan và thủ tục hải quan đối với hàng viện trợ không hoàn lại nhập khẩu từ nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan”.

Căn cứ quy định nêu trên, hàng hóa nhập khẩu để viện trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai thì thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).

Theo quy định tại Ðiều 16, Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Ðiều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế ngoài hồ sơ hải quan theo quy định thì người khai hải quan phải nộp thêm chứng từ là bản chính giấy xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính (đối với viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương).

Ðối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản viện trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai thông qua đơn vị tiếp nhận viện trợ là Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Tổng cục Phòng chống thiên tai, theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Ðà Nẵng thì hàng hóa này đã được thông quan để kịp thời phục vụ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và được nợ bản chính chứng từ liên quan đến hồ sơ hải quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan theo quy định tại Ðiều 50, Luật Hải quan số 54/2014/QH13. Ðề nghị đơn vị tiếp nhận viện trợ có trách nhiệm bổ sung đầy đủ các giấy tờ có liên quan theo đúng thời hạn đã quy định.

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top