Nét văn hóa độc đáo trong trang phục người Hà Nhì Lạ Mí

08:35 - Thứ Năm, 17/03/2022 Lượt xem: 4940 In bài viết

ĐBP - Đồng bào Hà Nhì tại huyện biên giới Mường Nhé sinh sống ở 4 xã vùng giáp biên gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Trang phục của Người Hà Nhì Lạ Mí nơi ngã ba vùng biên xã Sín Thầu mang nét văn hóa độc đáo riêng, luôn thể hiện sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, được người dân gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Thiếu nữ Hà Nhì chơi tung còn trên cao nguyên Sín Thầu.

Đồng bào Hà Nhì nơi ngã ba biên giới Mường Nhé có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó trang phục truyền thống của người Hà Nhì Lạ Mí tại xã Sín Thầu là độc đáo nhất. Từng đường kim, mũi chỉ, từng nét hoa văn trang trí được người dân khéo léo gửi gắm lên bộ trang phục luôn thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên với những sắc màu rực rỡ. Cứ vào mỗi dịp lễ hội, nhất là dịp đón tết cổ truyền của dân tộc, mỗi người Hà Nhì đều chuẩn bị cho mình một bộ trang phục để chào đón những ngày đầu tiên của năm mới, chào đón những điều tốt lành sẽ đến với bản làng, đến với dân tộc mình. Qua những họa tiết, hoa văn được trang trí ở mỗi bộ trang phục đã phản ánh đươc phần nào cuộc sống lao động và những tập quán sinh hoạt văn hoá phong phú của dân tộc Hà Nhì. Du khách đến ăn tết cùng bà con nơi đây đều cảm nhận được sự tự hào của mỗi người Hà Nhì về trang phục của dân tộc mình. Chị Pờ Mỳ Lụ, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu cho biết: Một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ đồng bào Hà Nhì Lạ Mí gồm quần, áo, yếm và không thể thiếu khăn đội đầu. Tất cả đều là màu sáng có trang trí họa tiết đỏ, xanh; chiếc yếm của người phụ nữ là một bộ phận tách rời với quần, áo. Áo có 2 lớp, áo ngắn mặc bên ngoài và áo dài mặc bên trong. Phần tay áo được đặc biệt chú trọng khi may vá. Do đó, khi nhìn vào ống tay áo có thể phân biệt được người phụ nữ có gia đình và những cô gái trẻ. Phần áo được thêu vá rất cầu kỳ với những màu sắc phổ biến là màu đỏ, màu trắng phối với các đường chỉ màu vàng, màu xanh. Yếm có chiều dài từ cổ cho đến eo lưng, chiều rộng đủ hết phần thân trên của người phụ nữ trông giống như chiếc tạp dề, góp phần trang trí cho bộ trang phục và có ý nghĩa riêng”.

Điểm nhấn của bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Hà Nhì Lạ Mí là màu sắc sặc sỡ được tạo nên bởi kỹ thuật thêu độc đáo thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của họ. Một số hoa văn phổ biến trên trang phục nữ giới như đường thẳng gấp khúc, hình quả trám, hình đa giác; hình hoa văn hoa lá như hoa mận, hoa đào...Trang phục truyền thống người Hà Nhì Lạ Mí rất phong phú cả về chất liệu và kiểu dáng. Có lẽ do tập tục của người Hà Nhì Lạ Mí sống gần gũi với thiên nhiên, nên trang phục truyền thống cũng mang màu sắc sặc sỡ trông giống như những bông hoa rừng. Màu sắc phổ biến nhất là màu đỏ, hoặc phối màu đỏ với màu trắng với các đường chỉ màu vàng, màu xanh. Phụ nữ Hà Nhì thường đội mũ có tua rua rất đẹp. Những sắc màu diêm dúa, những họa tiết được trang trí trên chiếc khăn luôn nổi bật trong lễ hội giữa núi rừng biên giới. Khăn (tiếng Hà Nhì là ù khu) dùng để đội đầu, có tác dụng che đầu khi trời nắng, mưa, giúp người phụ nữ Hà Nhì thuận tiện hơn trong lao động sản xuất. Mũ được làm bằng vải, thêu nhiều hoa văn họa tiết và trang trí thêm các đồng xu bạc, quả bông làm từ các loại chỉ màu rực sỡ.

Để trang phục nổi bật hơn, những phụ nữ Hà Nhì Lạ Mí thường trang trí phần cổ và viền áo. Trước ngực áo thường gắn hàng cúc bạc. Đi kèm với đó là các đồ trang sức bằng bạc được may như chiếc yếm có gắn 3 hàng cúc bạc hoặc đồng xu trước ngực với một số hình ảnh về vũ trụ như mặt trăng, mặt trời, núi sông hay hình các con vật gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của con người. Với những đường thêu từ đơn giản đến phức tạp trên trang phục truyền thống của mình, người Hà Nhì Lạ Mí đã phản ánh được cuộc sống và mối quan hệ của con người với tự nhiên.

Phụ nữ Hà Nhì thường đội khăn may bằng vải nhuộm chàm có kích thước khoảng 40cm - 60cm, ở rìa bốn góc khăn thường thêu hoa văn hình ô vuông hay nổi bật hơn đó là những đường viền lượn cong như sóng nước và mây vờn, gắn thêm các tua chỉ màu, hạt cườm. Phụ nữ Hà Nhì Lạ Mí để tóc dài vấn khăn quanh đầu khi chưa có chồng, khi đã có chồng họ thường tết tóc vào một cuộn rồi vấn quanh đầu sau đó mới đội khăn. Trong quan niệm của người Hà Nhì Lạ Mí, đầu tóc, y phục rất quan trọng. Nó biểu thị nét đẹp gọn gàng của người phụ nữ. Chăm chút cho mái tóc còn thể hiện đôi tay đảm đang khéo léo của người phụ nữ trong công việc, cũng như biểu thị sự khỏe mạnh, may mắn. Ngoài mái tóc và chiếc khăn đội đầu thì đồ trang sức bằng bạc cũng là điểm nhấn trên trang phục của phụ nữ Hà Nhì Lạ Mí. Trên nền đen họa tiết đỏ, xanh, những vòng bạc, đồng bạc trắng phát ra tiếng leng keng có ý nghĩa riêng. Theo Nghệ nhân Pờ Dần Xinh, bản Tả Khố Khừ: “Nhìn những đồng bạc hay kim loại được đính trước ngực sẽ phân biệt được địa vị và hoàn cảnh giàu, nghèo qua bộ trang phục. Đồng thời, khi đi rừng hay làm nương, qua tiếng leng keng phát ra từ bộ trang phục sẽ giúp cho những đôi nam nữ có thể tìm thấy nhau giữa núi rừng đại ngàn miền biên viễn. Trang phục của nam giới Hà Nhì Lạ Mí đơn giản và có màu sắc trầm hơn gồm: áo, quần, khăn quấn đầu. Màu sắc chủ yếu là màu đen và màu chàm. Có hai loại trang phục là trang phục khi lao động gồm: áo ngắn và quần; trang phục dùng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, hội hè có: khăn quấn đầu, áo dài và quần. Dù là loại trang phục nào cũng đều thể hiện sự giản dị, mạnh mẽ như núi rừng Tây Bắc. Trang phục nam giới chỉ mang tính chất phân định lứa tuổi chứ không phân biệt hoàn cảnh sử dụng, người Hà Nhì Lạ Mí không có trang phục dành riêng khi cưới, hay khi làm lễ, ngay cả khi thực hiện các nghi lễ cúng thì người đàn ông Hà Nhì Lạ Mí cũng chỉ cần quấn thêm một chiếc khăn đen bắt buộc, chiếc khăn này nhất thiết phải được làm bằng vải bông nhuộm tràm mà người phụ nữ trong gia đình tự tay làm”.

Chùm tua rua được làm bằng những quả bông đính chuỗi hạt cườm dùng để trang trí cho chiếc mũ của người phụ nữ Hà Nhì.

Trước kia tất cả các bộ y phục của người Hà Nhì Lạ Mí đều được may bằng vải bông nhuộm chàm do đồng bào tự dệt. Ngày nay để thuận tiện trong cuộc sống người Hà nhì Lạ Mí mua những tấm vải công nghiệp về may thành chiếc áo của dân tộc mình, âu đó cũng là sự thay đổi để thích nghi với cuộc sống. Để làm thủ công một bộ quần áo mặc trong ngày lễ, tết, người phụ nữ Hà Nhì phải tự đo, cắt và khâu chắp nối các mảnh vải lại với nhau trong khoảng thời gian từ 5 - 6 tháng mới hoàn thành. Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu cho đến khâu hoàn thiện đều được làm thủ công. Có lẽ do vậy mà mỗi bộ trang phục của đồng bào nơi đây giống như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện nét cá tính riêng của chủ nhân tạo ra.

Đối với trẻ em, những người phụ nữ tạo ra những bộ trang phục sặc sỡ, tiện lợi cho sử dụng và bảo vệ cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là chiếc mũ của trẻ em nơi đây. Dù là chiếc mũ cho bé trai hay bé gái cũng đều được trang trí bằng tua rua, hạt cườm, đồng bạc với màu sắc tươi sáng. Chiếc mũ được coi như hiện vật để lưu giữ hồn vía cho trẻ nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi về trang phục của đồng bào Hà Nhì Lạ Mí, Bà Pờ Mỳ Lế - Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết: “Vào các dịp lễ hội mỗi người Hà Nhì Lạ Mí đều cảm nhận hết được lòng tự hào, tình yêu của đồng bào dân tộc Hà Nhì Lạ Mí nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung gửi gắm vào những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Việc duy trì những nét độc đáo trong trang phục của mình chính là gìn giữ nét văn hóa cổ truyền đặc sắc cho thế hệ mai sau. Hiện nay, trang phục của đồng bào Hà Nhì Lạ Mí, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đang được cấp ủy, chính quyền các cấp nơi đây hoàn thiện các thủ tục đề nghị Bộ VHTTDL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia”. Giữa núi rừng đại ngàn, những bộ trang phục truyền thống trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống được đồng bào nơi đây trân trọng gìn giữ, góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì Lạ Mí.

Hoài Thứ
Bình luận
Back To Top