Gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc

06:05 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 6192 In bài viết

ĐBP - Xác định việc giữ gìn, phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương cùng nhân dân đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình để không bị mai một.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) may thêu trang phục truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.

Dân tộc Hà Nhì là một trong 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành trong công tác gìn giữ, những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì luôn được bảo tồn, phát triển; tiêu biểu như Tết “Khù Sự Chà”; Lễ cầu mưa, cầu mùa; Lễ hội cúng rừng, Lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản)… Trong đó Lễ Gạ Ma Thú đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2019. Là người dân tộc Hà Nhì, cũng là người am hiểu nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông Pờ Chinh Phạ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cho biết, dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc có nhiều bản sắc văn hóa; tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Hà Nhì sinh sống tập chung ở 4 xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng và Sín Thầu của huyện Mường Nhé. Những năm qua, bên cạnh tuyên truyền, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để gìn giữ nét đẹp truyền thống. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phục dựng lễ “Gạ Ma Thú”; năm 2020, phối hợp tổ chức tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì. Việc tổ chức phục dựng các lễ hội này không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, một số nét đẹp văn hóa, nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc đang có nguy cơ mai một, như: Múa khèn Mông; nghề truyền thống đan lát, ngữ văn dân gian của người Si La; lễ cúng tổ tiên của người Cống, trò chơi dân gian các dân tộc. Các ngành chức năng, nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc đến nhân dân cũng như du khách trong, ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa mỗi dân tộc. Điển hình như năm 2017, Bảo tàng tỉnh tổ chức bảo tồn Lễ cầu mưa của dân tộc Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải; năm 2018 kiểm kê toàn diện đối với dân tộc Dao tại xã Pá Mỳ và Huổi Lếch; năm 2019 kiểm kê dân tộc Mông xanh tại xã Huổi Lếch; năm 2020 kiểm kê dân tộc Mông đen tại xã Mường Nhé, Quảng Lâm… Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phục dựng một số lễ hội, lễ tết truyền thống, như: Lễ hội Tra hạt (dân tộc Khơ Mú), Tết Nào Pê Chầu (dân tộc Mông)... Ngoài ra hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác xét chọn định kỳ các nghệ nhân đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Có thể nói, qua nhiều hoạt động như: Phục dựng các lễ hội, đầu tư cơ sở vật chất cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay cơ bản cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc mình. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy cho thấy, sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc đã làm phong phú sản phẩm du lịch, định vị hình ảnh, quảng bá thương hiệu du lịch, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa; trong đó, 11 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy, gồm: Thái, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Hà Nhì, Si La, Cống, Hoa, Lào, Dao. Đối với văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng từ năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng đã tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể 7 loại hình (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian)…

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả nổi bật. Phát huy kết quả đó, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là Nghị quyết hết sức quan trọng nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top