Thêm những trang sách cho mùa hè bổ ích

08:07 - Thứ Năm, 16/06/2022 Lượt xem: 5766 In bài viết

ĐBP - Lần lượt từng tốp trẻ em vào trả, mượn sách. Không khí tại Phòng mượn thiếu nhi (Thư viện tỉnh) sôi nổi, tấp nập hơn hẳn khi bước vào hè, không giống suy nghĩ ban đầu của chúng tôi rằng: Trẻ em ngày nay gắn liền với điện thoại, ti vi, ít tìm đến sách.

Bạn đọc là thiếu nhi mượn sách tại Thư viện tỉnh.

Trẻ em tìm đến sách

Gian phòng mượn thiếu nhi của Thư viện tỉnh chật kín các kệ sách cao, chỉ để một khoảng trống nhỏ để người mượn tra cứu tìm sách trên máy tính hoặc bản giấy, cũng chưa có không gian đọc sách tại chỗ. Phòng nhỏ và chưa tiện ích nhưng từ sáng đến chiều luôn có người ra - vào liên tục, các em đến xếp hàng chờ mượn sách. Một chiều hè, em Lê Thị Hồng Nhung (9 tuổi), phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cùng mẹ và em gái đến Thư viện đổi trả sách. Ôm trên tay 10 quyển truyện tranh, Nhung được mẹ hỗ trợ gửi trả sách cho các cô thủ thư kiểm đếm. Gương mặt sáng bừng khi nhìn những giá đầy ắp sách, Nhung lăn tăn vài phút suy nghĩ rồi đọc tên sách, tên nhân vật để cô thủ thư tìm giúp.

Trong lúc chờ sách, bé hào hứng kể: “Mẹ giới thiệu và đưa cháu đến đây, ngay khi đến cháu đã rất thích vì có quá nhiều sách hay và đẹp. Mẹ còn đăng ký cho 2 chị em cháu 6 thẻ thư viện để cháu có thể mượn được nhiều sách về đọc trong dịp hè và mượn thêm sách tranh màu sắc cho em cháu mới 3 tuổi. Vì thế mỗi tuần, nhà cháu mượn hơn 10 quyển sách về đọc, tuần sau lại đến đổi trả, mượn sách khác. Gần đây cháu thường chọn lựa những truyện tranh dài tập như Thám tử lừng danh Conan, Thần đồng đất Việt... Cháu học được các bạn trong truyện tư duy, sự nhanh nhẹn, cháu muốn trở thành người thông minh, tài giỏi như các nhân vật chính trong truyện”.

Bước vào kỳ nghỉ hè, không còn phải lên lớp với những áp lực học tập, em Nguyễn Linh Nga (14 tuổi), phường Mường Thanh dẫn bạn cùng đến Thư viện tỉnh. Nga làm thẻ mượn tại Thư viện từ khi học lớp 5 nhưng nghỉ hè em mới có nhiều thời gian rảnh để mượn sách về đọc. Nga chia sẻ: “Em thích đọc các sách về thế giới hoang dã, Doraemon, Shin - Cậu bé bút chì... Khi mở những trang sách, em cảm thấy được thư giãn, bước vào thế giới của các nhân vật. Em tìm được niềm vui, cảm thấy thú vị và học được thêm nhiều điều bổ ích cùng những kiến thức mới khi làm bạn với sách”.

Tại phòng mượn thiếu nhi của Thư viện tỉnh xuất hiện không ít người lớn. Hầu hết họ là cha, mẹ, ông, bà đến mượn sách cho con hoặc dẫn con, cháu đến chọn lựa sách. Bà Phạm Thị Lừng, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cũng đưa cháu gái 9 tuổi đến đây mượn sách về nhà đọc. Đã gần nửa năm bà đồng hành cùng cháu gái khám phá thế giới, học hỏi điều hay qua những trang sách. Bà nhận thấy cháu gái mình thay đổi tích cực trong nhận thức và cảm xúc, và cháu cũng ngày càng yêu thích sách hơn. Bà Lừng cho biết: “Tôi và gia đình rất vui vì cháu học được nhiều điều thú vị từ sách. Gia đình rất muốn cho cháu tiếp cận việc đọc sách, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức trong sách để vừa có thể luyện luyện đọc, luyện ngôn ngữ, vừa tăng hiểu biết, tư duy. Hơn nữa, vào mùa hè thời thiết nóng bức, địa bàn ít chỗ vui chơi, một mình ra ngoài chạy nhảy khi người lớn bận lại không an toàn, thì việc đọc sách, truyện ở trong nhà vừa bổ ích vừa an tâm”.

Đáp ứng nhu cầu mượn sách dịp hè

Hiện Thư viện tỉnh có trên 36.000 bản sách thuộc nhiều thể loại khác nhau đáp ứng phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, bao gồm: Truyện tranh, sách dịch từ nước ngoài, sách khoa học thường thức, kỹ năng sống, sách tâm lý, ngôn ngữ...  Chuẩn bị cho dịp hè 2022, Thư viện đã đầu tư bổ sung 2.736 bản sách mới cho phòng mượn thiếu nhi, chú trọng vào các loại truyện tranh nhiều tập, hướng dẫn kỹ năng sống, khoa học thường thức đáp ứng nhu cầu tìm kiếm và phù hợp lứa tuổi của các em. Đồng thời thanh lọc tài liệu, sách cũ, hỏng, lỗi thời về thông tin để ngày càng nâng cao chất lượng sách phục vụ bạn đọc.

Cùng với đó đội ngũ nhân viên thư viện đã có cách thức tổ chức, hỗ trợ, giới thiệu sách để trẻ em yêu thích và mong muốn tìm đến với sách. Chị Phạm Thị Thanh, Thư viện viên tại phòng mượn thiếu nhi cho biết: “Bạn đọc thiếu nhi khi đến đây sẽ được các cô giới thiệu, giúp các con chọn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích. Ví dụ như các cháu mầm non sẽ đọc các loại sách tranh về cảm xúc, yêu bố mẹ, ông bà, rửa tay xà phòng, đánh răng sạch... Còn các cháu cấp hai thì sẽ giới thiệu sách truyện dài hơn, kỹ năng sống, ngôn ngữ... Cơ bản, các bản sách đều được luân chuyển đến tay bạn đọc với mong muốn góp phần khơi dậy văn hóa đọc trong các bạn nhỏ”.

Hiện Thư viện tỉnh quản lý gần 2.000 thẻ mượn phòng thiếu nhi. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày thu hút hơn 200 lượt độc giả đến mượn và đọc sách, cao điểm có những ngày phục vụ 250 - 300 bạn đọc, gấp đôi thời gian trong năm học. Không dễ để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em khi hiện nay trẻ có nhiều lựa chọn để vui chơi, giải trí, đặc biệt là sự thu hút, hiện đại của các thiết bị điện tử. Nhưng cũng không phải là quá khó để tạo thói quen đọc sách nếu các em thường xuyên được tiếp xúc và khuyến khích học hỏi, khám phá thế giới hấp dẫn từ những cuốn sách. Đó cũng là điều mà Thư viện tỉnh quan tâm, tìm hướng.

Anh Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Thư viện tỉnh) cho biết: “Bạn đọc thiếu nhi chiếm phần đông và được đánh giá rất quan trọng với Thư viện. Vì thế lãnh đạo đơn vị đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều hình thức, giải pháp nhằm tăng lượng độc giả nhỏ tuổi. Đó là tăng số lượng sách cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, mở rộng các hình thức linh hoạt như làm thẻ miễn phí, phục vụ sách lưu động tại các trường học, kết hợp làm làm thẻ mượn sách tập thể cho học sinh; tăng thời gian phục vụ hè đến 17 giờ 30 phút hàng ngày, mở cửa cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ... Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cách thức phục vụ từ truyền thống sang hiện đại, mở kho theo hình hình thức tự chọn, xây dựng không gian đọc sách, hướng đến làm sao để vừa khai thác tốt nhất nguồn tài liệu hiện có vừa tạo cho Thư viện thân thiện, gần gũi hơn với bạn đọc thiếu nhi”.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top