ĐBP - Trong ngày đầu tiên của Ngày hội Giao lưu văn hoá thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III năm 2022, ngay tại sân khấu nhỏ Quảng trường 7/5 (TP. Điện Biên Phủ), 10 lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc của 10 tỉnh Việt Nam được tái hiện, trình diễn, làm mãn nhãn và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.
Các tỉnh tham gia bao gồm: Điện Biên, Quảng Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Kon Tum, Quảng Trị, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh lần lượt trình diễn các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, còn được gìn giữ, duy trì của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Điện Biên trình diễn Lễ mừng cơm mới của dân tộc Lào, Quảng Nam với Lễ Cúng đất lập làng của dân tộc Cơ Tu, Nghệ An có Lễ Chá Chiêng của người Thái, Thừa Thiên Huế tái hiện Lễ hội A da koonh của người Pa Cô, Thanh Hóa trình diễn Lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái... Các lễ hội đều được Hội đồng nghệ thuật chấm điểm để trao giải khi bế mạc Ngày hội.
Đến với Ngày hội, già làng Bling Hạnh, 72 tuổi (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) lần đầu tiên cùng người dân bản làng mình đưa Lễ Cúng đất lập làng ra ngoài tỉnh. Già làng Bling Hạnh chia sẻ: “Tôi rất tự hào và phấn khởi khi tham gia hoạt động văn hóa lớn này, được giới thiệu cho nhiều người biết đến Lễ Cúng đất lập làng tồn tại hàng trăm năm, qua bao thế hệ của dân tộc chúng tôi. Nghi lễ vẫn được bà con thực hiện khi phải dời bản, chuyển nơi ở mới”. Được biết nghi lễ này được tổ chức do xưa kia có một làng dân tộc người Cơ Tu gặp thiên tai, dịch bệnh trong một thời gian gian dài khiến dân làng hoang mang, lo sợ, phải tìm vùng đất mới để tới an cư lập nghiệp. Công việc này quyết định đến sự tồn vong của làng nên được giao cho già làng uy tín nhất. Già tập hợp các già làng khác trong bản hỏi ý kiến, đi chọn đất lập làng là nơi rộng rãi, gần nguồn nước, có thể phòng thủ chống lại kẻ thù, thú dữ, đất tốt, có khả năng trồng trọt... Từng cảnh chọn đất bằng lửa và cây đót (đốt cây đót nổ mới là đất lành), cúng đất bằng phương pháp xưa kia (phải nổi lửa được từ đá) khiến người dân và du khách cùng hồi hộp, mừng vui theo.
Phần trình diễn của Điện Biên lại mang đến không gian rực rỡ sắc màu, rộn ràng cùng cảm xúc vui tươi, muốn hòa mình ngay vào lễ hội cho người xem. Đó là Lễ mừng cơm mới của dân tộc Lào do nhóm nghệ nhân bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông trình diễn. Sau phần lễ nhẹ nhàng, buộc chỉ cổ tay chúc mọi điều tốt đẹp không chỉ cho các thành viên đoàn mà còn đại biểu và du khách là phần hội tưng bừng. Không phân biệt người già, trẻ em, đàn ông, phụ nữ cùng uyển chuyển trong điệu lăm vông và các trò chơi dân gian vui nhộn của dân tộc như: Tó má lẹ, rùa ấp trứng, rắn bắt ngóe, hổ vồ lợn...
Đến xem các hoạt động trình diễn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, bà Lò Thị Lịch, bản Noong Nhau, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên rất chăm chú và cổ vũ nhiệt tình cho đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh. Bà Lịch chia sẻ: “Mỗi tỉnh mang đến một màu sắc khác nhau. Lễ hội của các dân tộc đều rất thu hút, văn hóa truyền thống vô cùng đẹp. Tôi là người dân tộc Thái, chỉ riêng dân tộc Thái thôi, tại Ngày hội đã thấy giữa các tỉnh có sự khác nhau rất nhiều về trang phục và các nghi thức lễ hội rồi. Dù Lễ Chá Chiêng của người Thái Nghệ An có phần tương đồng với Lễ Kin Pang của người Thái Điện Biên, Lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái Thanh Hóa cũng có chút giống với chúng tôi nhưng vẫn còn nhiều điểm khác biệt. Bởi vậy, tới đây tôi được mở mang tầm mắt, biết thêm nhiều điều về các dân tộc các tỉnh”.
Ngày đầu tiên diễn ra nhưng Ngày hội đã mang đến thật nhiều cảm xúc cho người tham dự. Ngoài trình diễn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, còn nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được diễn ra, chắc chắn sẽ không phụ lòng mong đợi, kỳ vọng của người dân và du khách.