ĐBP - Chúng tôi đến xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng những ngày đầu tháng 9. Con đường vào bản được bê tông hóa sạch đẹp, dọc 2 bên đường là những hàng hoa rực rỡ sắc màu... Đời sống của người dân nơi đây ngày càng được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần.
Dẫn chúng tôi đi thăm những con “đường hoa” của xã, ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang chia sẻ: Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền xã thường xuyên quan tâm tới việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; tập trung nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, sân thể thao…). Xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Cụ thể như là phục dựng Tết Nào pê chầu của đồng bào dân tộc Mông tại bản Pú Súa. Xã kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, trồng hoa tại tuyến đường từ huyện vào trung tâm xã và các tuyến đường nội bản; giao các hội đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, nông dân…) tổ chức trồng, chăm sóc và bảo vệ. Đến nay, toàn xã có hàng trăm mét “đường hoa” do các hội đoàn thể, nhân dân trồng. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, các tổ chức đoàn thể, xã còn tập trung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan; huy động người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng các đoạn đường thanh niên, phụ nữ tự quản… Từ đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Hiện nay xã Ẳng Cang có trên 70% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.
Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc được huyện Mường Ảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Những năm qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc.
Nhằm phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, hàng năm, huyện đã bố trí ngân sách cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các cơ quan có liên quan tổ chức bảo tồn Tết Nào pê chầu; tổ chức bảo tồn, phục dựng các lễ hội: Cầu mưa, cầu mùa, tra hạt (dân tộc Khơ Mú)… Hàng năm, tham gia nội dung trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc tại Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đến nhân dân, du khách trong và ngoài huyện.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ huyện đến cơ sở được quan tâm tổ chức thường xuyên, có hiệu quả, nhất là hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, bản, tổ dân phố tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ tại cơ sở, nòng cốt là các đội văn nghệ cơ sở và các nghệ nhân cao tuổi biết thực hành về nhạc cụ dân tộc truyền thống. Hiện nay, toàn huyện có 1 đội tuyên truyền lưu động cấp huyện, 55 đội văn nghệ cơ sở, cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức các chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn tại địa phương. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 38 nhà văn hóa, trong đó 10 nhà văn hóa xã, thị trấn, đạt 100% tổng số xã, thị trấn; 28 nhà văn hóa bản, tổ dân phố; 100% bản, tổ dân phố được gắn biển tên, xây dựng quy ước, hương ước riêng của bản.
Thời gian qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Mường Ảng đã thu hút sự tham gia của nhân dân, tạo bước chuyển tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh, tạo khí thế mới trong xây dựng nông thôn mới. Những bước chuyển mình tại thị trấn Mường Ảng, xã Ẳng Nưa, Búng Lao... được nhận thấy rõ nét trong thời gian qua. Với những tuyến đường bê tông trải dài đến từng thôn bản, ngõ xóm; tuyến phố, tuyến đường chính có đèn chiếu sáng, đèn LED; các điểm vui chơi, khu tiểu cảnh... được trồng hoa, cây cảnh xanh, sạch, đẹp.
Ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên địa bàn, huyện Mường Ảng đã chú trọng lồng ghép vào các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, xóa nhà tạm… tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống được tổ chức bảo tồn thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở; nhiều di sản văn hóa đã thực sự phát huy giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, được các cấp có thẩm quyền công nhận, như: Tết Nào pê chầu; áo cóm truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái ngày càng phổ biến, được ưa chuộng, sử dụng nhất là trong các sự kiện chính trị lớn, các dịp lễ, tết... Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.