Nhiều chuyển biến trong tuyên truyền, giáo dục và tiếp cận pháp luật

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 1210 In bài viết
ĐBP - Những năm qua được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, đầu tư kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc đã được cải thiện rõ nét. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham gia phối hợp của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tạo tiền đề thuận lợi cho các hoạt động triển khai, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Năm 2014 - 2015, Điện Biên là 1 trong 5 tỉnh, thành phố (gồm: Điện Biên, Quảng Bình, Thái Bình, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh) được lựa chọn làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng ở 3 cấp đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trong 2 năm, từ năm 2014 đến năm 2015 nên đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp nên việc triển khai, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở được thực hiện tương đối thuận lợi.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Bộ Tư pháp về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các cấp về triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và việc triển khai làm thử việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong 2 năm (2014 - 2016).

Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật (HĐĐGTCPL) tỉnh) đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch và thành lập HĐĐGTCPL ở cấp mình và về việc triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg. Trong tháng 8/2014, Sở Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tiếp cận pháp luật cho hơn 150 đại biểu là thành viên HĐĐGTCPL của tỉnh; phòng tư pháp 10 huyện, thị xã, thành phố; công chức tư pháp - hộ tịch của 130 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai đánh giá tiếp cận pháp luật đã được UBND các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ. Tuy nhiên, ở một số huyện và UBND cấp xã việc chỉ đạo thực hiện công tác này còn chậm, chưa kịp thời, việc thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật còn chưa đảm bảo. Qua kết quả chấm điểm cho thấy ở hầu hết các xã mới cơ bản đảm bảo tiêu chí về giải quyết các vụ việc hành chính, tư pháp và tiêu chí bộ máy đảm bảo thực hiện thiết chế pháp luật; đối với các tiêu chí còn lại cơ bản chưa đảm bảo, nhất là các tiêu chí về phổ biến giáo dục pháp luật và tiêu chí về kinh phí và cơ sở vật chất. Cụ thể, kết quả đánh giá, chấm điểm tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 39 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, còn lại 91 xã, phường, thị trấn chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 3/10 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện được công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đó là: Thành phố Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên, còn lại 7 huyện chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó các huyện có tỉ lệ đạt chuẩn cao như thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn là 100% và hầu hết các xã, phường, thị xã đều đạt trên 800 điểm trở lên, bên cạnh đó còn một số huyện tỉ lệ đạt chuẩn còn thấp hoặc không có như huyện Điện Biên Đông 14/14 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chỉ có 1 xã đạt từ 700 điểm trở lên và số xã đạt dưới 500 điểm còn cao...

Năm 2014, bên cạnh những kết quả bước đầu trong công tác triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Ở một số địa phương việc ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, thành lập HĐĐGTCPL và các văn bản chỉ đạo cấp xã về công tác chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng hợp báo cáo, kết quả thẩm tra, theo dõi, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn chậm, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác chấm điểm, đánh giá tiếp cận pháp luật ở một số huyện, xã còn mang tính hình thức, kết quả đánh giá chưa thực sự phản ánh đúng với tình hình thực tiễn của địa phương; chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị đặc biệt là ở cấp xã, để có sự đánh giá, giải quyết một cách toàn diện, tổng thể đối với công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, nhiều nơi, nhiều cấp còn coi đây là nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan tư pháp; đội ngũ công chức cấp xã trực tiếp thực hiện việc đánh giá các tiêu chí về chuẩn tiếp cận, chưa nắm chắc những nội dung cơ bản của các tiêu chí do vậy việc đánh giá còn chưa chính xác.

Như Quỳnh (Sở Tư pháp)

Bình luận
Back To Top