Nhọc nhằn cán bộ phụ nữ vùng cao

09:34 - Thứ Năm, 18/10/2018 Lượt xem: 11077 In bài viết

ĐBP - Nếu được nói ngắn gọn nhất về cán bộ phụ nữ ở vùng cao, tôi nghĩ đó là công việc có đủ mọi khó khăn, nhọc nhằn miền núi và cả những nỗi niềm riêng của những cán bộ phụ nữ vùng cao mà không phải lúc nào cũng có thể sẻ chia...

 

Phụ nữ xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) thêu trang phục truyền thống. Ảnh: C.T.V

Là tỉnh miền núi với 130 cơ sở Hội và gần 94.400 hội viên, nên dù ở đâu trên địa bàn, cán bộ phụ nữ của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song khó khăn nhiều nhất vẫn là cán bộ ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Ðể hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp chị em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, nhiều cán bộ phụ nữ đã hy sinh thời gian, công sức dành cho bản thân, gia đình để về với phụ nữ vùng cao. Cách mà họ làm, khó khăn mà họ vượt qua và cả những kỷ niệm ghi dấu cũng thật khác nhau.

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) tìm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã để làm việc nhưng không gặp được vì chị đi họp với chi hội bản cách đó gần 20km. Trở lại vào hôm sau, câu chuyện đầu tiên mà chúng tôi được chị Sùng Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ là về hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc ở bản Tìa Ghềnh A - bản mà chị vừa về họp trước đó. Trước đây, chẳng mấy chị em ở đây được đi họp, nay nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động mà chị em có nhiều đổi thay, được tham gia hoạt động hội nhiều hơn. Trong nhiều cuộc phổ biến nội dung phòng chống bạo lực gia đình, phổ biến chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã có gia đình đủ cả vợ lẫn chồng.

Chị Thương cho biết: Hội LHPN xã Keo Lôm có 862 hội viên, 1.293 chị em; trong đó gần 70% là đồng bào Mông. Những năm gần đây, các hoạt động, phong trào của hội đã được cải thiện nhiều nhờ sự nỗ lực của Ban Chấp hành Hội. Cán bộ phụ nữ xã, bản đã sát cánh cùng chị em hội viên; giúp họ học hỏi vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc... Theo chị Thương, muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị em, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, có vị thế trong gia đình, cộng đồng xã hội, chị em có khó khăn, tồn tại, hạn chế gì thì phải cố gắng tìm hiểu để hỗ trợ khắc phục thì mới hiệu quả. Hiện, Hội LHPN xã Keo Lôm có nhiều chị em chưa biết chữ và tiếng phổ thông. Ðây là khó khăn lớn trong hoạt động của hội. Những năm qua, chị đã đến từng bản tuyên truyền, giáo dục, vận động triển khai hoạt động Hội; vừa nói tiếng phổ thông vừa nói tiếng Mông; hy vọng kế hoạch tổ chức dạy tiếng và chữ phổ thông cho chị em sẽ sớm được thực hiện.

Xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) có 7 bản. Với suy nghĩ phong trào văn hóa, văn nghệ là quan trọng; phong trào mạnh sẽ kéo các hoạt động khác lên theo, Hội LHPN xã đã thành lập 7/7 đội văn nghệ tại các bản. Chị Lò Thị Thoa, Chủ tịch Hội chia sẻ: Hoạt động tập luyện, biểu diễn, giao lưu văn nghệ của bản, xã không chỉ giúp chị em rèn luyện mà còn là nơi để tập hợp trao đổi, chia sẻ với nhau mọi việc. Ban Chấp hành Hội luôn sát sao cơ sở, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể hỗ trợ chị em vươn lên trong cuộc sống. Gần như mọi hoạt động đều có sự đóng góp của chi hội phụ nữ: Phụ nữ tham gia tổ hòa giải, tín chấp vay vốn; thành viên tổ tự quản môi trường; tham gia tuyên truyền, vận động trẻ đến trường, đi tiêm chủng, tham gia bảo vệ an ninh trật tự... Chị Thoa nói vui “Chắc chẳng có việc gì mà cán bộ, chi hội trưởng phụ nữ đứng ngoài”. Hiện tại, vấn đề làm thế nào để chị em hiểu và tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ đang là trăn trở của chị Thoa, vì xã nằm cạnh quốc lộ, giao thông thuận lợi, phương tiện cũng nhiều hơn trong khi nhận thức, hành vi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế...

Lã xã biên giới, xa nhất của tỉnh - xã  Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cũng có nhiều khó khăn hơn. Chị Pờ Mỳ Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã gần như là người trực tiếp phổ biến, tuyên truyền, vận động mọi hoạt động, phong trào của Hội. Chị Nụ chia sẻ: Ðể giúp chị em hiểu phải thực sự kiên trì, tuyên truyền nhiều, tuyên truyền lâu, bằng nhiều hình thức ở mọi nơi mới mong hiệu quả. Nếu chỉ đọc văn bản, báo cáo thì hầu như chẳng có tác dụng gì; điều mà chị và các chi hội trưởng phụ nữ ở Sín Thầu đang làm là nói về các hoạt động đó một cách cụ thể nhất, gần gũi nhất, thiết thực với đời sống cá nhân, gia đình, con cái họ; để họ thấy thật sự cần thiết thì mới có hiệu quả. Chị Nụ mong rằng, bằng cách làm đó sẽ dần khắc phục tồn tại hạn chế lớn nhất đó là nâng cao nhận thức cho chị em trong mọi việc...

Ngoài những khó khăn mà huyện, xã vùng cao nào cũng có (về địa hình phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn, mặt bằng dân trí chưa đều...) mỗi địa bàn lại có những khó khăn khác nhau. Song, với nỗ lực cao nhất đó là giúp hội viên, phụ nữ vùng cao vươn lên làm chủ cuộc sống, có thể đóng góp, khẳng định được vị thế của mình nhiều hơn trong gia đình, cộng đồng xã hội; cán bộ phụ nữ các cấp đã thật sự nỗ lực, tâm huyết và hy sinh vì công việc của mình. Những nỗ lực đó thực sự đáng được ghi nhận, tôn vinh.

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top