Nghề lắm gian nan

10:06 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 11295 In bài viết
ĐBP - Trải qua gần 7 năm gắn bó với nghề báo, đối diện với nhiều khó khăn; từ đường sá, ngôn ngữ… nhưng quyết tâm kiên trì với con đường mà mình lựa chọn, đã giúp tôi đứng vững trong nghề.

Những ngày đầu bước chân vào nghề, chưa biết làm báo như thế nào, tôi đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của các anh chị trong tòa soạn, nhiều kiến thức mà không trường, lớp nào dạy được. Trải qua những năm gắn bó với nghề, bằng những chuyến tác nghiệp cơ sở, vượt đèo, lội suối tôi hiểu nhiều hơn về cuộc sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới; cảm nhận rõ hơn sự gian nan của những cán bộ, chiến sĩ nơi biên cương Tổ quốc.

 

Phóng viên Sầm Phúc (bên phải) tác nghiệp tại khu vực ươm giống cây mắc ca, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

2 năm gần đây, tôi được phân công phụ trách huyện Nậm Pồ, Mường Nhé - 2 huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh. Biết rằng, làm báo là phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, tôi và đồng nghiệp luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mường Nhé là địa bàn tình hình an ninh chính trị, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phức tạp. Mỗi chuyến công tác, tôi cùng đồng nghiệp phải ngược ít nhất 200km đường đèo dốc quanh co mới đến được trung tâm huyện. Chuyến đi ấn tượng nhất với tôi là lần về xã biên giới Sín Thầu tiếp nhận trao trả về nước 16 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Buổi sáng trước khi xuất hành tôi được các anh Công an huyện Mường Nhé báo trước, đường đến lối mở A Pa Chải mùa này mưa nhiều, đường sá đi lại khó khăn, có thể bị đất đá sạt lở nên dặn phải chuẩn bị máy móc cẩn thận; nhất là sắm cho mình đôi dép “tổ ong” để cuốc bộ qua những đoạn sạt lở. Hăng hái lên đường, chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi đã đến lối mở, nhưng cơn mưa bất chợt xối xả. Ðến Trạm biên phòng, chúng tôi thấy đoàn người mệt nhoài, lê từng bước từ bên kia biên giới về. Ai nấy lả đi vì đói khát sau những ngày chui lủi trong rừng rậm trốn lực lượng chức năng; những đứa trẻ không một tấm áo, mặt mũi lấm lem bùn đất, gầy rộc nhai ngấu nghiến mảnh lương khô do bộ đội biên phòng phát. Nhìn cảnh ấy khiến tôi không thể cầm nổi nước mắt...

Hiểm nguy rình rập cũng là chuyện không hiếm với phóng viên. Một lần về Nậm Pồ công tác, trời tháng 6 mưa xối xả, nước mưa tạo thành những khe nứt làm đất đá trên đồi chảy xuống, bùn ngập ngang gối. Hơn nữa, đường đất, các xe tải gầm cao, máy công trình chạy qua nhiều tạo thành 2 vệt bánh xe sâu hoắm. Tôi và đồng nghiệp chạy lẫn trong mưa mù mịt nên không nhìn rõ, thi thoảng lại phải phanh dúi dụi vì những tảng đá và rãnh nước cắt ngang đường. Nhiều lần không kịp chống chân, cả xe và người đổ ụp xuống; vật lộn với đống bùn lầy mãi tôi mới dựng được xe lên, đầu gối thì đau muốn ứa nước mắt, nhưng vẫn phải gột bùn trên mặt rồi chạy tiếp. Ðánh vật với con đường khổ ải hơn 4 tiếng, đêm muộn chúng tôi mới đến trung tâm huyện. Không uổng công vất vả, sáng hôm sau chúng tôi đã kịp xuống hiện trường để tiếp cận và đưa thông tin thiệt hại do mưa lũ về tòa soạn.

Những câu chuyện, bài học trên đường tác nghiệp luôn được chúng tôi gìn giữ như giữ cho riêng mình những kỷ niệm của cuộc đời làm báo, để xây đắp thêm tình yêu nghề, yêu người. Và rồi, bỏ lại sau tất cả những khó khăn, tôi và các đồng nghiệp vẫn đi, vẫn viết, vẫn miệt mài với từng con chữ, từng phận người, bởi đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của người cầm bút.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top