Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe

Tổn thất kinh tế của việc sử dụng thuốc lá

09:23 - Thứ Sáu, 08/11/2019 Lượt xem: 12096 In bài viết

ĐBP - Việc sử dụng thuốc lá làm tăng gánh nặng kinh tế cho các quốc gia. Mỗi năm, thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 200 tỷ USD. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tại các nước có thu nhập cao, chi phí chăm sóc sức khỏe do thuốc lá ước tính từ  6 -15% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Hàng năm, nước Mỹ thiệt hại 170 tỷ USD,  Trung Quốc  5  tỷ USD, Úc 21 tỷ USD.

Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia như tăng chi phí chữa bệnh do hút thuốc gây ra, giảm năng suất lao động, dễ gây cháy nổ, hủy hoại môi trường... Hút thuốc gây lãng phí đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các gia đình nghèo. Tiền mua thuốc lá làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe gia đình. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra cho an sinh xã hội, y tế tại Australia là 7%, ở Hungary là 10,4%, và ở nông thôn Tây Nam Trung quốc là 11%. Ở Bangladesh, nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng.  Tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá thuốc lá làm giảm sức lao động và tổn thất đến năng suất lao động. Bên cạnh đó, người hút thuốc và xã hội còn phải gánh chịu những chi phí do khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khoẻ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, xuất phát bởi tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường…

Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47%, trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc… Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khoẻ và kinh tế của đất nước.

Trung bình mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam phải chi gần 700.000 đồng. Với 12 triệu người hút, mỗi năm có khoảng hơn 8.400 tỷ đồng tiêu tốn cho mặt hàng này. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, bệnh tật do thuốc lá gây ra làm tăng gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và làm mất đi lực lượng lao động.

Theo thống kê, tính riêng trong năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Việc tiêu thụ nhiều thuốc lá dẫn tới tình trạng buôn lậu, nhập lậu thuốc lá gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá nhập lậu hiện đang chiếm 25% thị phần thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam; làm chảy máu hơn 200 triệu USD và thất thoát hàng nghìn tỷ đồng thuế.

Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng một năm. Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị các bệnh khác do thuốc lá gây ra.

Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình.

Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị 22 bệnh còn lại (tại Thái Lan tổng chi phí này là hơn 414 triệu USD/năm); chi phí giảm hoặc mất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm liên quan đến thuốc lá, (tại Mỹ: 167 tỷ USD/năm; Úc: 23 tỷ USD/năm); chi phí nghỉ giữa giờ để hút thuốc, tổn thất do cháy nổ liên quan đến thuốc lá (Úc: 63 triệu AUD/năm; Canada: 81,5 triệu CAD/năm), chi phí vệ sinh môi trường tăng …

Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hải Hậu
Bình luận
Back To Top