Cần động lực cho các câu lạc bộ “Hiến máu dự bị”

09:47 - Thứ Năm, 02/04/2020 Lượt xem: 8357 In bài viết

ĐBP - Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp được toàn xã hội biểu dương, tôn vinh. Hàng năm trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức, phát động các chương trình hiến máu tình nguyện như: “Ngày hội xuân hồng”, “Hành trình đỏ”… Các phong trào hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đạt kết quả cao, đáp ứng trên 80% nhu cầu sử dụng máu. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của các câu lạc bộ hiến máu dự bị (Ngân hàng máu sống) còn nhiều khó khăn…

Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Giấy khen cho những cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện. 

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 câu lạc bộ “Hiến máu dự bị”, với 906 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; trong đó, có 1 câu lạc bộ “Nhóm máu hiếm” với 14 thành viên.

Bác sĩ Đặng Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm huyết học và Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Việc có đủ máu cấp cứu tại chỗ đã là khó, việc đảm bảo an toàn truyền máu còn khó hơn. Chính vì vậy, việc thành lập Câu lạc bộ “hiến máu dự bị” là rất cần thiết sẽ phần nào giảm áp lực cho việc huy động bảo quản và dự trữ máu. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc có được những câu lạc bộ “hiến máu dự bị” sẽ là địa chỉ tin cậy cho cơ sở y tế và những người bệnh đến điều trị. Tuy nhiên trong thời gian qua, các câu lạc bộ “hiến máu dự bị” trên địa bàn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đa phần dừng lại ở việc tham gia hiến máu theo các chương trình hành động, cuộc phát động hiến máu của các cấp chính quyền. Chưa có sự liên kết giữa câu lạc bộ với các bệnh viện, trung tâm y tế để thực hiện hiến máu cứu người trong những tình huống khẩn cấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các câu lạc bộ “Hiến máu dự bị” chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, như: Đa phần các thành viên câu lạc bộ đều ở xa trung tâm y tế, xa bệnh viện, giao thông đi lại khó khăn, nên khi cần không đáp ứng được ngay; các câu lạc bộ hầu như không có kinh phí duy trì… Để đáp ứng phần nào nhu cầu thiếu máu trong những trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ “Hiến máu tình nguyện” gồm 34 thành viên là cán bộ, y, bác sĩ trong bệnh viện. Ngoài tham gia những đợt hiến máu tình nguyện theo các phong trào (Hành trình đỏ, Lễ hội xuân hồng…) các tình nguyện viên còn trực tiếp tham gia hiến máu cứu người trong những trường hợp nguy kịch. Tiêu biểu phải kể đến các bác sĩ Đỗ Trường Sơn, Hoàng Thị Hồng Thơm, Nguyễn Thành Chung…

Câu lạc bộ “Nhóm máu hiếm” là một số ít trong những câu lạc bộ “Hiến máu dự bị” vẫn đang hoạt động. Anh Lù Văn Chung, Chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: Câu lạc bộ “Nhóm máu hiếm” chúng tôi được thành lập từ năm 2018, thông qua giới thiệu của Tỉnh đoàn, những đoàn viên thanh niên có cùng nhóm máu tụ họp nhau lại, hàng năm kết nạp thêm các thành viên mới. Đến nay, câu lạc bộ có 14 thành viên là các đoàn viên thanh niên làm việc trong các cơ quan đoàn thể và khu vực nông thôn. Đa phần thành viên cư trú rải rác tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, một số ít trên địa bàn huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Câu lạc bộ chưa có sự liên kết với các bệnh viện để thực hiện hiến máu cứu người trong những trường hợp khẩn cấp. Chủ yếu tham gia các đợt hiến máu tình nguyện tập trung hoặc giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm khi có trường hợp nhập viện cần truyền máu.

Bản thân anh Lù Văn Chung ngoài 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện theo chương trình phát động của Tỉnh đoàn cũng chỉ tham gia hiến máu trực tiếp được 1 lần. Đó là cuối năm 2019 có trường hợp em Lù Văn Minh, bản Pom Loi, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng xuất huyết dạ dày, cần truyền máu gấp. Sau khi nhận được tin báo, anh Chung đã huy động 8 anh em trong câu lạc bộ và người dân trong bản vào bệnh viện hiến 12 đơn vị máu, kịp thời cứu em Minh qua cơn nguy kịch...

Hiện nay, câu lạc bộ đang gặp khó khăn trong việc duy trì; phần vì không có kinh phí hoạt động; phần vì các thành viên đều ở địa bàn xa nên rất ít có cơ hội tập trung sinh hoạt định kỳ. Ngoài ra, việc đảm bảo kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, các thành viên trong câu lạc bộ đều phải tự túc kinh phí. Một số đoàn viên thanh niên nông thôn còn khó khăn về kinh tế nên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ không được đảm bảo…

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, hành động đẹp cần lan tỏa rộng rãi. Nhu cầu sử dụng máu trong điều trị và cấp cứu luôn thường trực. Để duy trì và hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ “hiến máu dự bị”, các cơ quan chức năng cần có nhiều hơn nữa những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ “Hiến máu dự bị” duy trì và phát triển…

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top