Khắc phục bất cập, yếu kém trong giao thông đường bộ

16:00 - Thứ Tư, 23/02/2022 Lượt xem: 3406 In bài viết

Những ngày gần đây, Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an đề xuất đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Để làm rõ các nội dung quy định trong luật, Bộ Công an đã tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia ở lĩnh vực khác nhau để nhằm tiếp thu ý kiến đa chiều.

Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ hướng tới khắc phục những bất cập, yếu kém trong giao thông đường bộ. (Ảnh: Minh Duy)

Đối với vấn đề tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đa số ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách luật nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới hiện nay.

GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau là TTATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội) chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật) chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Hai nội dung nêu trên là lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực. Do đó, việc ban hành Luật TTATGT đường bộ là cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT đường bộ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật.

Theo PGS.TS Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội), Luật Giao thông đường bộ 2008 là đạo luật chuyên biệt và phức hợp, không chỉ bao trùm các quy tắc về trật tự, an toàn giao thông mà còn bao gồm cả các quy tắc về cơ sở hạ tầng giao thông, tư cách và phương tiện tham gia giao thông, vận tải và quản lý nhà nước liên quan. Sự bao trùm này rộng khắp trong một lĩnh vực, nhưng không đủ cụ thể, chi tiết về những vấn đề pháp lý đặt ra, không đầy đủ về những vấn đề cần có để bảo đảm phát triển giao thông đường bộ an toàn, hiệu quả và điều hòa giao thông.

Việc xây dựng những đạo luật chuyên biệt và phức hợp trong lĩnh vực giao thông ở nước ta làm xuất hiện nhiều vấn đề cần tranh luận liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ được ban hành. Bởi, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định bao trùm 3 nội dung lớn là trật tự, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và kinh doanh vận tải.

Ông Cương kiến nghị, giải pháp căn bản là tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai luật riêng biệt. Một đạo luật điều chỉnh trật tự, an toàn giao thông đường bộ và một đạo luật điều chỉnh hạ tầng giao thông đường bộ. Các dự án luật cần xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu thi hành đạo luật cơ sở hạ tầng về giao thông là Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành về trật tự, an toàn giao thông là Bộ Công an.

Liên quan đến các nội dung trong luật, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh giao thông (Bộ Công an) khẳng định, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực này, bởi Luật Giao thông đường bộ 2008 điều chỉnh đồng thời nhiều lĩnh vực khác nhau là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ. Sau thời gian dài tổ chức thi hành đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, dự thảo Luật TTATGT đường bộ đã hướng tới người dân, để quyền của người dân được đầy đủ hơn.

Đồng thời, tính tới các phương án xây dựng các trạm cứu hộ lưu động trên các cao tốc, hoặc lắp đặt hệ thống giám sát nhiều hơn để phát hiện kịp thời các vụ tai nạn, nhanh chóng phối hợp các lực lượng, sơ cấp cứu kịp thời, giúp giảm thiểu những rủi ro thương vong cho người tai nạn giao thông. Đây chính là những điều có lợi nhất cho người dân...

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top