Tạo sức bật để 'vùng khó' chuyển mình

14:58 - Thứ Năm, 24/02/2022 Lượt xem: 2697 In bài viết

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021–2030 được mong đợi sẽ hỗ trợ kịp thời để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng phát triển của cả nước.

Đường nông thôn mới xã Kim Lư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGP/Hồng Giang

Xuân này, chúng tôi về thăm xã miền núi Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Từ một xã đặc biệt khó khăn, Kim Lư đã vươn lên là xã đạt chuẩn nông thôn mới với cơ sở vật chất khang trang.

Chỉ cách đây hơn 5 năm về trước, nơi đây vẫn là một vùng quê nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước năm 2015, xã chỉ đạt được 4-5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, toàn xã chỉ có 4 km đường bê tông, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 58%, thu nhập bình quân chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm.

Nhưng với các nguồn lực đầu tư từ các Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới,… Kim Lư đã xây dựng được hơn 17 km đường bê tông nông thôn và nhiều công trình hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ phương tiện sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Đại Minh, thôn Hát Luông chia sẻ, từ khi xã được đầu tư xây dựng đường giao thông, việc đi lại rất thuận lợi, bà con được hỗ trợ cây giống, được cán bộ địa phương nhiệt tình hướng dẫn, nên bà con cũng bảo nhau chịu khó tăng gia sản xuất để thoát nghèo.

"Nhờ xe ô tô vào tận nơi mà gia đình tôi mỗi năm bán gần 10 tấn cam đường canh, ngoài ra gia đình còn nuôi ngựa bạch, do đó mang lại thu nhập khá", ông Minh phấn khởi nói.

Ông Phạm Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Kim Lư cho biết, từ các nguồn lực đầu tư, bộ mặt xã Kim Lư đã đổi thay rõ rệt. Năm 2018, Kim Lư đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tháng 3/2021, Kim Lư hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao.

"Phấn khởi nhất là hiện nay, thu nhập của người dân đã đạt 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 5%", ông Du cho hay.

Tương tự, tại Lạng Sơn, nhờ các chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh này đã giảm từ 7,88% năm 2020 xuống còn 5,76% năm 2021 (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 12,20%). Đến nay, có 75/181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 82 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận đạt chuẩn; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng…

Đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh. Ảnh: VGP/Hồng Giang

Chương trình có sự đầu tư lớn nhất, tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS

Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm qua, từ các chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cũng như của tỉnh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng dân tộc thiểu số.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

"Đây là chương trình tổng thể rất rộng lớn, tích hợp tất cả các chương trình trước kia vào một đầu mối, bao hàm các nội dung về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa trong vùng đồng bào DTTS, đây là một chính sách ưu việt, cụ thể hóa chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước.

Tôi hy vọng rằng việc quản lý, phân bổ các nguồn ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả hơn, tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương", ông Vi Minh Tú cho biết.

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố; bao gồm 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II, và 1.551 xã khu vực III. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia.  

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách cho đồng bào DTTS và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cũng như gặp nhiều khó khăn trong thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển .

Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi; nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đánh giá của Ủy ban dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một Chương trình có sự đầu tư lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất và được đồng bào các dân tộc thiểu số mong chờ nhất.

Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế-xã hội dành cho địa bàn đặc thù này, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển, ưu tiên cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Tháng 1/2022, tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã yêu cầu Ủy ban Dân tộc phải tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình này ngay trong quý I/2022.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, với tổng vốn đầu tư gần 138.000 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên Chương trình được ban hành, một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên cao đối với chính sách dân tộc. Các chính sách này luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, nhất là niềm mong mỏi về sự phát triển của tất cả các dân tộc trên cả nước.

Ngoài Chương trình trên, năm 2022 còn có một loạt chương trình lớn sẽ được triển khai, gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, theo tinh thần phân cấp, phân quyền, do đó nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương sẽ rất nặng nề, trong đó có việc phải bảo đảm giải ngân đúng tiến độ của cả 4 chương trình.

P.V (theo Chinhphu.vn)
Bình luận

Tin khác

Back To Top