Chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

08:17 - Chủ Nhật, 27/02/2022 Lượt xem: 4081 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh đã tăng cường quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm tra các quy định về ATTP tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Điện Biên đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch định kỳ, chuyên đề, đột xuất. Đặc biệt, đối với các nhóm ngành hàng do Bộ Công Thương quản lý, mặt hàng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Điển hình như việc kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi kinh doanh nhập khẩu cá tầm; vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép qua biên giới; phát hiện, ngăn chặn xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, thủy sản và sản phẩm động vật, thủy sản từ nước ngoài vào địa bàn; vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm trâu bò từ nước ngoài vào địa bàn... Bám sát chỉ đạo của cấp trên, tình hình diễn biến thị trường theo từng thời điểm, tăng cường quản lý địa bàn, Cục QLTT Điện Biên còn mở các đợt các điểm về kiểm tra ATTP đối với thị trường dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu…

Tại các chợ đầu mối, kho, bãi nơi phát sinh nguồn hàng, nhà phân phối, đại lý, trung tâm thương mại; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm thực phẩm, Cục QLTT Điện Biên chú trọng kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nhất là hoạt động vận chuyển kinh doanh trái phép gia súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm động vật, thủy sản nhập lậu chưa qua kiểm dịch; nông sản, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; nguyên liệu sản xuất không đảm bảo ATTP. Đồng thời, tham gia Đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra về đảm bảo vệ sinh ATTP. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra đảm bảo có đầy đủ thành phần chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, test nhanh ATTP tại cơ sở khi cần thiết. Trong quá trình kiểm tra, tuân thủ theo đúng trình tự và xử lý kết quả kiểm tra ATTP theo quy định. Qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, động vật, sản phẩm động vật và các sản phẩm khác từ nước ngoài qua khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở vào địa bàn. Năm 2021, lực lượng QLTT đã tổ chức 815 cuộc kiểm tra; phát hiện 45 vụ vi phạm kinh doanh hàng quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa, hàng hỏng mốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ôi thiu, biến đổi màu sắc. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy hơn 64 triệu đồng, gồm: 419kg quả tươi (nho, xoài, táo, lê), 65kg sản phẩm động vật và hơn 2.100 đơn vị sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn (bánh, kẹo, mì tôm, sữa tươi) hỏng mốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ và quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa. Đối với các đoàn liên ngành do các sở, ngành, UBND các cấp chủ trì đã thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 772 cơ sở. Trong đó, 55 cơ sở kinh doanh, nuôi động vật hoang dã và 717 cơ sở, kinh doanh thực phẩm; qua đó phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 6 triệu đồng vi phạm về không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về ATTP thường xuyên được triển khai, ưu tiên gắn với quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong năm 2021, lực lượng QLTT đã tuyên truyền trực tiếp quy định của Nhà nước về ATTP đến 1.000 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời vận động 500 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về ATTP đối với sức khỏe người tiêu dùng được nâng lên, hạn chế được các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top