Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội

08:19 - Thứ Hai, 07/03/2022 Lượt xem: 4865 In bài viết

ĐBP - Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, những năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn; có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày càng có nhiều hội viên phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi, là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên giới thiệu sản phẩm trà của Công ty. Ảnh: C.T.V

Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và nhu cầu của phụ nữ; hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh luôn chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội trong tỉnh coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt gắn với thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Hội. Để khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế trong các hội viên, thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp… tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, giúp hội viên phụ nữ và con em của họ có việc làm sau đào tạo.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các cấp Hội LHPN tỉnh đã tích cực vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ chị em tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, chuỗi nông sản an toàn. Trong đó, có những sản phẩm chủ lực như: Gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, cây ăn quả (dứa, bưởi da xanh…). Hội cũng triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) với các hoạt động giúp chị em khởi nghiệp thành công; tổ chức tập huấn, truyền thông cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác… Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn tham gia các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, ngân hàng, các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống (dệt, may trang phục thổ cẩm, đồ mĩ nghệ, mây tre đan…). Một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như: Công ty TNHH thực phẩm Safe Green; Hợp tác xã Pha Đin… Toàn tỉnh hiện có 302 nữ giám đốc, nữ chủ doanh nghiệp; 43 nữ giám đốc HTX và hàng nghìn phụ nữ kinh doanh giỏi.

Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đang quản lý trên 861 tỷ đồng cho trên 18.000 hội viên vay nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội cũng vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, tiêu biểu như: Mô hình nuôi lợn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé; xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ trên 2.000 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thời gian qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ giàu trong toàn tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên phụ nữ nói riêng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Nhiều chị em đã nhanh chóng tiếp cận, mạnh dạn ứng dụng công nghệ và làm chủ quy trình sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình hoặc trực tiếp đứng tên, điều hành những công ty, doanh nghiệp lớn, có doanh thu hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Chị Nguyễn Mỹ Linh là hội viên phụ nữ tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tủa Chùa - Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên. Công ty TNHH Hương Linh là doanh nghiệp tiêu biểu trong phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm an toàn, với 3 sản phẩm trà OCOP đạt tiêu chí 3 sao (Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa; Trà xanh Shan tuyết Sính Phình; Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa). Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh khai thác và chế biến sản phẩm chè Shan tuyết đạt chứng nhận Vùng nguyên liệu hữu cơ đạt chuẩn châu Âu. Đồng thời, thực hiện thành công các dự án liên kết lúa gạo và ngô lai trên địa bàn huyện Tủa Chùa; nhằm thay đổi tập quán tập quán canh tác lạc hậu, đưa kĩ thuật mới vào canh tác để cùng bà con nông dân nâng cao năng suất cũng như chất lượng các loại cây lương thực; cùng nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chị Quàng Thị Dương (Chi hội phó Chi hội Phụ nữ bản Pa Bói, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng số tiền gia đình tích lũy, vay vượn người thân trên 400 triệu đồng để đầu tư phát triển 4.000m2 ao  nuôi cá giống, cá thương phẩm. Hàng năm trừ chi phí gia đình chị Dương thu nhập trên 150 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Dương vận động chị em trong chi hội tiết kiệm gây quỹ để tạo vốn, hỗ trợ giúp đỡ cho chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; vận động chị em trong chi hội giúp đỡ nhau bằng ngày công, con giống...

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, phụ nữ đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học; chăm lo đời sống sinh hoạt, học tập của con em; tham gia các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kỹ năng sống… Phụ nữ đóng vai trò quan trọng vận động con em và người thân đi học, góp phần duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các mức độ. 

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá, bằng nhiều hình thức hoạt động cụ thể, phụ nữ Điện Biên đã cho thấy, họ ngày càng có ý thức, trách nhiệm trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; phòng chống bạo lực gia đình, phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, trước dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hội viên phụ nữ ở mọi địa bàn, vị trí công việc khác nhau đã luôn có ý thức phòng chống dịch, tích cực lao động sản xuất, tích cực quyên góp, hỗ trợ nguồn lực, công sức, thời gian cho các điểm cách ly y tế phòng, chống dịch. Có thể khẳng định, chị em đã góp phần không nhỏ ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top