Nậm Pồ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:50 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 5082 In bài viết

ĐBP - Trải qua một năm đầy khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 liên tục có những diễn biến phức tạp nhưng công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn được duy trì và đạt kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Học viên lớp Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, khóa II tại xã Nậm Nhừ thực hành làm chuồng trại.

Các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn huyện Nậm Pồ được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng xã. Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ cho biết: Năm qua dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng lớn tới quá trình công tác và thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Bùng phát tại xã Si Pa Phìn nên các lớp đào tạo nghề của Trung tâm bị dừng và kéo dài. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn tập trung phổ biến kịp thời, sâu rộng những kiến thức pháp luật và văn bản mới về công tác đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên; các chỉ thị, nghị quyết mới, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật cho người dân trên địa bàn. Trung tâm vẫn phối hợp với các phòng ban có liên quan, đoàn thể các cấp và UBND các xã làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát, thống kê nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện năm 2021. Cụ thể, trung tâm đã phối hợp với UBND 15 xã tuyên truyền, rà soát, tuyển sinh lao động nông thôn trong độ tuổi và có khoảng 560 người có nhu cầu đăng ký học nghề. Trong năm 2021, dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung tâm đã đào tạo cho 394 học viên, đạt 125% kế hoạch tỉnh giao; đạt 75% kế hoạch huyện giao. Các lớp chủ yếu đào tạo ngành nghề: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, dê; kỹ thuật xây dựng… Hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, theo hình thức cầm tay chỉ việc phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động trên địa bàn.

Từ tháng 10 - 12/2021, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nậm Pồ tổ chức lớp đào tạo nghề Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, khóa II tại xã Nậm Nhừ với 34 học viên theo học. Nhờ sự tận tình của giáo viên và tinh thần phấn đấu ham học hỏi của học viên, sau 3 tháng tham gia khóa học, học viên đã được trang bị các kiến thức cơ bản trong chăn nuôi lợn. Trong đó, biết được kỹ thuật chọn con giống, thiết kế xây dựng chuồng nuôi thích hợp và đạt hiểu quả cao nhất; xác định được dự toán chi phí xây dựng chuồng trại cũng như mua con giống phù hợp với từng gia đình và đạt hiểu quả cao. Đồng thời, nhận biết, phát hiện các loại bệnh xảy ra trong quá trình chăn nuôi, để sử dụng thuốc và đưa ra phương pháp phòng và điều trị có hiệu quả. Các học viên bước đầu biết hạch toán chăn nuôi theo hướng sản xuất, kinh doanh.

Ngoài những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn còn những khó khăn khác cần phải vượt qua. Ông Khổng Văn Trọng cho biết thêm: Trong năm qua, nguồn kinh phí cho đào tạo nghề bổ sung chậm và chưa được cấp đủ để thực hiện các lớp đào tạo nghề. Trong khi đó, một số xã chưa thật sự quan tâm về lĩnh vực đào tạo nghề, chưa chủ động trong công tác tuyên tuyền vận động, tư vấn cho LĐNT tham gia đăng ký học nghề, tỷ lệ đăng ký thấp. Đặc biệt tại một số xã được huyện giao chỉ tiêu nhưng không vận động được nhân dân tham gia học nghề. Ngoài ra, một số lao động chưa nhận thức được chính sách đào tạo nghề, tự vươn lên thoát nghèo; tập quán thói quen sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhất là khi tâm lý của một bộ phận người lao động không chịu xa gia đình nên việc học nghề chuyển dịch cơ cấu lao động còn gặp nhiều khó khăn… Trước tình hình đó, Trung tâm tiếp tục rà soát, tích cực tuyên truyền, vận động nhu cầu học nghề của người dân ở các xã, tư vấn học nghề cho phù hợp với nhu cầu, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện đề ra. Đồng thời, tăng cường tuyển sinh và tìm đơn vị liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã theo kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện. Trung tâm tiếp tục biên soạn, chỉnh sửa và xây dựng mới các bộ chương trình, giáo trình để áp dụng vào công tác đào tạo nghề cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top