Đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

05:43 - Thứ Sáu, 05/08/2022 Lượt xem: 6639 In bài viết

ĐBP - Điện Biên hiện có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế tuyến huyện, 129 trạm y tế tuyến xã, với 2.020 giường bệnh công lập và tổng số nhân lực 3.826 người (tính đến 30/6/2022). Cùng với việc chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, ngành Y tế tỉnh đang nỗ lực không ngừng đổi mới, hoàn thiện và phát triển, đặc biệt là trong công tác khám, chữa bệnh (KCB).

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh cho người dân.

Bắt đầu từ tháng 6/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành triển khai thí điểm KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Đây là giải pháp kỹ thuật được BHXH Việt Nam và Bộ Công an thực hiện trên cơ sở đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai thực hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đưa vào sử dụng máy quét mã QR-Code trên CCCD đặt tại khu vực đăng ký khám. Sau khi người bệnh đến đăng ký KCB BHYT, nhân viên y tế sẽ tiến hành kiểm tra CCCD bằng cách quét QR-Code của người bệnh, nếu đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì đón tiếp người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành. Trường hợp người bệnh không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì nhân viên y tế giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được. Tiếp đó, đề nghị người bệnh xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện quy trình KCB BHYT thông thường.

Vừa làm xong quy trình đăng ký KCB BHYT tại bệnh viện, chị Trần Mai Anh, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) phấn khởi cho biết: Trước đây khi đi khám bệnh, tôi phải chờ đợi để nhân viên y tế kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin nên mất nhiều thời gian. Lần này đi khám chỉ cần đưa CCCD quét, sau vài phút là xong thủ tục, tôi thấy rất tiện lợi và nhanh chóng.

Đánh giá hiệu quả sau thời gian thí điểm, bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Qua hơn 1 tháng triển khai, việc KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, không chỉ tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký mà trong trường hợp thẻ BHYT của người dân bị mất, hỏng cũng không bị ảnh hưởng tới việc KCB. Cùng với đổi mới, bệnh viện cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác KCB, hoạt động chăm sóc người bệnh được hết sức quan tâm; công tác tiếp đón, hướng dẫn và phân loại tình trạng bệnh được tổ chức hiệu quả. Trang thiết bị, vật tư y tế được đầu tư, bảo dưỡng định kỳ; tổ chức cấp, phát thuốc đúng theo quy trình, đảm bảo cung ứng theo quy định.

Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, Ngành Y tế tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng quy trình KCB khoa học. Trong đó, những giải pháp được tập trung đó là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, đồng thời chú trọng nâng cấp, đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB. Thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực y tế, Ngành tiếp tục triển khai 174 thủ tục hành chính thuộc 11 lĩnh vực. Trong đó, 117 thủ tục hành chính giải quyết tại bộ phận một cửa Sở Y tế, 57 thủ tục thực hiện tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, bộ phận “một cửa” tiếp nhận 633 hồ sơ (trực tuyến 422 hồ sơ, trực tiếp 173 hồ sơ); giải quyết đúng hạn 595 hồ sơ. Cùng với đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành đã giúp cho triển khai các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và thống kê báo cáo được thuận lợi, tiết kiệm ngân sách góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính. 100% cơ sở KCB thực hiện khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn; 100% cơ sở KCB được cung cấp tài khoản nền tảng tiêm chủng, hiện tiêm chủng online theo quy trình 4 bước và thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với cổng BHYT, cổng dữ liệu y tế; 100% các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); 100% y tế cơ sở đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trong công tác hoạt động chuyên môn. Chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, Ngành Y tế đang quản lý và tổ chức thực hiện 22 dự án; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư 26 dự án xây mới, nâng cấp sửa chữa các cơ sở y tế từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Triển khai hoạt động KCB, các cơ sở y tế tổ chức tốt việc thường trực và trực cấp cứu 24/24 giờ, KCB cho người bệnh; dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, KCB. Thực hiện tốt công tác KCB, điều trị ngoại trú, kê đơn, điều trị nội trú tại các cơ sở KCB trong toàn tỉnh, nhất là chế độ thường trực cấp cứu. Thực hiện nghiêm túc Luật BHYT, các chế độ chính sách đối với người bệnh, các quy định về thủ tục KCB tại các tuyến. Theo đánh giá chung của Sở Y tế, hiện nay các điểm số của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nâng cao chất lượng KCB; đặc biệt là đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, về nhân lực, trang thiết bị cũng như triển khai thực hiện những đề án mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua, như là Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Thống kê của Sở Y tế, 6 tháng đầu năm, ngành thực hiện KCB cho 325.424 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú 42.807 lượt, công suất sử dụng giường bệnh 74,9% (tăng 0,7% so với cùng kỳ). Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác KCB đã góp phần đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân; tạo dựng, duy trì niềm tin, sự hài lòng của người bệnh khi đến KCB tại các cơ sở y tế.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top