Giao thừa của “chiến sĩ áo trắng”

02:06 - Chủ Nhật, 22/01/2023 Lượt xem: 7397 In bài viết

ĐBP - Tết đến xuân về là dịp để mọi thành viên trong gia đình đoàn viên, sum họp. Thế nhưng, với những người đang công tác trong ngành Y tế tết lại là những ngày bận rộn và chịu nhiều áp lực, bởi họ vẫn miệt mài với công việc chăm sóc và cứu sống người bệnh. Dẫu vất vả, thiệt thòi; nhưng mỗi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, khỏe mạnh về với gia đình là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực tết của y, bác sĩ.

Điều dưỡng Đỗ Minh Châu chăm sóc bệnh nhân nặng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đón giao thừa ở bệnh viện đã không còn xa lạ đối với các y bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Người ít thì 3 - 4 năm, người nhiều trên 10 năm chưa được đón tết trọn vẹn bên gia đình, người thân. Chúng tôi có dịp trò chuyện với bác sĩ Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người có 30 năm công tác trong ngành Y tế thì có tới 18 năm đón giao thừa trong bệnh viện.

Bác sĩ Phong chia sẻ: Trực tết áp lực và căng thẳng hơn những ngày thường, bởi ngày tết lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngộ độc thực phẩm… đến cấp cứu thường đông hơn nhiều. Sự phức tạp của ca bệnh, những lời hối thúc từ phía người nhà bệnh nhân gây rất nhiều áp lực. Đón tết ở bệnh viện, không có gì khác là tiếp nhận và cấp cứu cho người bệnh trong tình trạng nguy kịch; thời điểm mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cấp cứu từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Thậm chí có những năm cơ quan tổ chức đón giao thừa cho cán bộ, nhân viên y, bác sĩ trực tết trong bệnh viện mà Khoa Cấp cứu không có người lên chung vui được, vì lượng bệnh nhân bị tai nạn nhập viện tăng đột biến và đa phần là các ca nguy kịch. Vất vả, thiệt thòi, tuy nhiên với công việc mình đã lựa chọn thì phải cố gắng vượt qua để mang lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Là lãnh đạo khoa, bác sĩ Trần Hải Phong thấu hiểu những tâm tư, cảm xúc của y, bác sĩ xa quê không được về quây quần bên gia đình. Nhiều năm qua, bác sĩ Phong đã chủ động nhận trách nhiệm trực ngày 30, mùng 1 tết để anh em xa quê có được ngày tết trọn vẹn bên gia đình. Đồng thời, tổ chức gặp mặt đón giao thừa trong khoa; lãnh đạo khoa và các đồng nghiệp khác luôn động viên, hỏi thăm để các y, bác sĩ xa quê vơi nỗi nhớ nhà và luôn cảm thấy bệnh viện là gia đình thứ 2 của mình.

Với công việc chu đáo vẹn toàn, nhưng về phía gia đình, đã nhiều năm nay bác sĩ Phong phải “lỗi hẹn” vì không cùng vợ chia sẻ việc nhà trong những ngày giáp tết, không cùng vợ chuẩn bị bữa cơm tất niên, không bên con trong khoảnh khắc giao thừa để thắp hương gia tiên. Thấu hiểu công việc cứu người thiêng liêng cao cả của chồng, vợ và các con anh rất chia sẻ và đồng tình ủng hộ. Nhiều năm nay vợ anh luôn chuẩn bị bữa cơm đêm giao thừa để mang vào viện cho chồng, đồng thời chuẩn bị ít bánh kẹo, hoa quả để mọi người trong ca trực chung vui.

Còn với chị Đỗ Minh Châu, điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có 13 năm trong nghề và đón 10 cái tết ở bệnh viện. Nhiều khi bản thân chị thấy rất thiệt thòi vì không được ăn tết trọn vẹn bên chồng con và gia đình.

 Chị Châu cho biết, do tính chất công việc của các y, bác sĩ, điều dưỡng viên làm việc ở Khoa Cấp cứu những ngày tết rất bận rộn và căng thẳng. Có những ca trực, bệnh nhân vào dồn dập, tất cả mọi người cùng cố gắng hết khả năng để cứu sống bệnh nhân. Khi cứu được một bệnh nhân qua cơn nguy kịch, mọi người từ y, bác sĩ cho đến người nhà bệnh nhân đều vui mừng phấn khởi. Tuy nhiên, cũng có những ca quá nặng và vào viện quá muộn, dù đã cố hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi, khoảnh khắc đau lòng ấy chỉ cách giao thừa mấy phút!

Với bệnh nhân, nhiều lắm cũng chỉ đón giao thừa trong bệnh viện 1 - 2 lần trong đời. Nhưng với cán bộ ngành Y thì gần như đây là chuyện thường xuyên. Từ khi còn ngồi trên giảng đường chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho điều này. Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn một số đồng nghiệp vì gần gia đình được ông bà nội, ngoại hỗ trợ nhiều. Một số đồng nghiệp xa quê, có tới 4 năm liên tiếp không được đón tết bên gia đình; một số đồng nghiệp nữ phải gọi điện qua zalo hướng dẫn chồng sắp mâm cơm tất niên, thắp hương đêm giao thừa…

Tuy vất vả, nhưng đón tết ở bệnh viện không khí ấm áp như một gia đình, mọi người gần gũi, xích lại gần nhau hơn thường lệ, từ bệnh nhân đến các y bác sĩ. Nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ngày tết cũng như ngày thường; y bác sĩ lại bảo nhau mỗi người chia sẻ một ít phần quà, suất ăn cho bệnh nhân và gia đình để mọi người cùng quây quần đón giao thừa trong bệnh viện” - chị Châu chia sẻ.

Niềm động viên lớn nhất đối với các y bác sĩ là nhìn thấy bệnh nhân kịp xuất viện về đón tết bên gia đình. Sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo bệnh viện, cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các y bác sĩ, những bệnh nhân nặng, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vào chiều 30 tết, đêm giao thừa, đã góp phần cổ vũ, khích lệ các y bác sĩ gắn bó với nghề, yêu nghề hơn.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top