Bài dự thi Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI

Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc (4)

10:31 - Thứ Bảy, 30/12/2023 Lượt xem: 5193 In bài viết

Bài 4: Tiếp sức nối dài “cánh tay” y tế

Bài 3: Chiếc loa di động đa ngôn ngữ ở biên giới

Bài 1: “Bố đỡ” của trẻ vùng cao

Bài 2: “Bác sĩ” bản!

Vai trò quan trọng của lực lượng y tế cơ sở đã và đang được khẳng định rất rõ qua nhiều minh chứng thực tế trong suốt hành trình phát triển của ngành Y tế. Thế nhưng, ở tỉnh Điện Biên nhiều năm qua vẫn có những giai đoạn, có nơi, có người phải tạm nghỉ, hoặc bỏ hẳn công việc này, với không ít trăn trở. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa đảm bảo để họ có thể tự lo cho cuộc sống. Muốn “giữ chân” lực lượng này tiếp tục gắn bó, cống hiến lâu dài, trước hết cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thiết thực, phù hợp. Những “cánh tay” được tiếp sức mới có thể nối dài…

Hành trình trắc trở

Anh Lầu A Dia, cán bộ chuyên trách dân số xã Sa Dung tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho thanh niên trên địa bàn.

Gần 20 năm làm việc tại Trạm Y tế xã Sa Dung (huyện Điện Biên Đông), anh Lầu A Dia có 8 năm phải đảm nhận thêm công tác chuyên trách dân số xã. Vì kiêm nhiệm thêm việc, nên nhiều năm nay sau những giờ trực chuyên môn ở Trạm Y tế, anh Dia lại rong ruổi trên những cung đường liên bản. Anh đến từng gia đình rà soát, nắm tình hình dân số, tìm hiểu các trường hợp chuẩn bị kết hôn, hỏi thăm sức khỏe phụ nữ mang thai, tư vấn, hỗ trợ bà con nâng cao sức khoẻ…

Xã Sa Dung có 19 thôn, bản với số dân trên 7.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, 16/19 thôn, bản có cộng tác viên dân số. Để nắm bắt sát địa bàn, hàng tháng anh Dia sắp xếp thời gian đi từ 4 - 5 thôn, bản. Có địa bàn xa, giao thông khó khăn, anh phải đi hơn nửa ngày mới tới nơi. “Công việc của tôi chủ yếu phối hợp với đội ngũ cộng tác viên dân số theo dõi tình hình dân cư, tổng hợp số liệu, nắm thông tin chuyển đến, chuyển đi. Tại các thôn, bản đã có cộng tác viên dân số, tôi phối hợp với họ thực hiện nhiệm vụ. Song đối với những thôn, bản chưa có thì tôi phải đảm nhận luôn nên khối lượng công việc rất lớn”, anh Dia tâm sự.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Trạm Y tế xã, anh Dia thường xuyên đến các thôn, bản nắm tình hình dân số.

Nhiệm vụ nhiều, áp lực lớn song từ trước đến nay anh Dia không được hưởng chế độ từ công việc kiêm nhiệm. Công việc bận rộn khiến anh không có nhiều thời gian lao động, sản xuất cải thiện kinh tế và chăm lo cho gia đình. Anh Dia thừa nhận, đa phần việc nhà, việc nương đều do vợ và người thân gánh vác. Song bởi đã gắn bó với công tác dân số nhiều năm, bà con cũng quen với vai trò của anh nên không dễ từ bỏ.

Với chị Giàng Thị Sáng, cô đỡ thôn bản tại xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) thực hiện công việc cũng chịu nhiều áp lực về kinh tế. Bắt đầu nhận nhiệm vụ từ năm 2017, chị Sáng được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng. Khoản phụ cấp ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, chi phí cho con ăn học. Để lo kinh tế gia đình, phần lớn thời gian chị cùng chồng trên nương, trồng ngô, lúa và chăn nuôi lợn, gà. Vì không biết đi xe máy, nên mỗi lần có trường hợp cần hỗ trợ, chị lại nhờ chồng chở đi. Nhiều lần anh cáu giận, trách móc chị vì đã không có thu nhập, lại mất thời gian, chi phí xăng xe đi lại.

Đến năm 2020, số tiền hỗ trợ ít ỏi cũng bị cắt giảm. Áp lực lớn nên chị Sáng đành tạm dừng công việc để tập trung cùng chồng làm ăn, lo cho 2 con nhỏ. Để đưa ra quyết định trên, chị đã phải suy nghĩ rất nhiều. Vẫn còn những trăn trở, tiếc nuối, song chị chẳng còn cách nào thuyết phục chồng. Đến năm 2021, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cô đỡ thôn bản tiếp tục được duy trì trở lại, mức độ đãi ngộ cũng phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Chị có thêm động lực và quyết tâm trở lại công việc cô đỡ thôn bản. Lần này, chồng chị cũng đồng thuận và tạo điều kiện hơn cho vợ gắn bó với nghề.

Có “thực” mới vực được “đạo”

Thống kê từ ngành Y tế Điện Biên, tính đến thời điểm 30/6/2023, nhân lực y tế tuyến cơ sở toàn tỉnh có 829 người (121 bác sĩ, 104 dược sĩ, 330 y sĩ, 96 điều dưỡng, 128 hộ sinh, 50 chuyên ngành khác); 733 nhân viên y tế thôn bản; 125 cô đỡ thôn bản; 1.443 cộng tác viên dân số. Mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực từng bước được củng cố. Vì thế, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được đảm bảo, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và ngăn chặn kịp thời.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Có thể nói, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở tại khắp các địa bàn trong tỉnh đang ngày đêm nỗ lực, cống hiến hết mình vì sức khoẻ của nhân dân. Đặc biệt, tại các địa bàn vùng cao, khu vực khó khăn, nơi sinh sống chủ yếu của các đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của các nhân viên y tế thôn bản đang phát huy hiệu quả tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.

Đánh giá cao vai trò, song lãnh đạo ngành Y tế cũng thừa nhận, hiện nay khối lượng công việc của đội ngũ y tế tuyến cơ sở là rất lớn. Tần suất hoạt động ngày càng cao, cùng với dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp trong khi lực lượng mỏng khiến một cán bộ y tế phải cùng lúc đảm đương nhiều nhiệm vụ. Không những thế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù vùng miền, những thách thức trước những đổi mới và sự phát triển của xã hội.

Cán bộ chuyên trách dân số tuyên truyền chính sách dân số cho người dân xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa.

Để phần nào chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần nỗ lực, cống hiến của đội ngũ này, những năm gần đây ngành Y tế đã tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ y tế tuyến cơ sở. Quan tâm giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan. Mặc dù đã được cải thiện, song trên thực tế chế độ tiền lương, phụ cấp hiện vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ, công việc ở vị trí công tác của nhân viên y tế tuyến cơ sở. Thu nhập từ lương không đảm bảo được cuộc sống dẫn đến tình trạng một số cán bộ y tế bỏ việc.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang thiếu 66 nhân viên y tế thôn, bản và 664 cô đỡ thôn, bản. Để giảm bớt khó khăn, tạo động lực đối với đội ngũ y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn vùng khó khăn, ngành Y tế Điện Biên mong muốn trong thời gian tới, có chính sách hỗ trợ học phí, kinh phí đào tạo đối với viên chức ngành Y tế tham gia đào tạo trình độ cao đẳng, đại học; cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành được cử đi đào tạo trình độ đại học bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y. Điều chỉnh tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề cho đối tượng y tế cơ sở và chế độ phụ cấp lưu động thực hiện thanh toán theo công tác phí/ngày đi công tác thực tế; tăng mức tiền trực của viên chức y tế. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để nâng cao chế độ tiền lương cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế khối nhà nước.

Nguồn lực thiết thực sẽ tiếp sức cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở gắn bó hơn với công việc.

“Có thực mới vực được đạo” là câu nói được đúc kết từ bao đời. Đó cũng là mong mỏi chung chính đáng của đội ngũ y tế tuyến cơ sở đang thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn biên giới khó khăn, vùng sâu vùng xa. Họ cần thêm nguồn lực thiết thực, tiếp sức để những hành trình nỗ lực, cống hiến không còn lặng thầm, trắc trở…

Hà Linh – Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top