Video

Gian nan giáo dục Huổi Mí

Thứ Ba, 29/09/2015 00:00 Lượt xem: 3320 In bài viết
ĐBP - Huổi Mí là xã khó khăn nhất của huyện Mường Chà. Mặc dù đã được cảnh báo trước về mức độ khó khăn của giao thông, song chỉ khi thực sự nếm trải, chúng tôi mới cảm nhận hết được nỗi gian nan của giáo viên ở Huổi Mí. Và cái tên “Những người hùng” của giáo dục vùng cao mà Phó phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Mường Chà, Cao Thị Kim Thu dành nhận xét cho họ rất đúng và càng thêm ý nghĩa. Những con dốc dựng đứng trơn như đổ mỡ, lổn nhổn toàn đá hộc, một bên là vách núi, một bên vực sâu dễ làm nản lòng bất cứ ai muốn vào Huổi Mí. Riêng con đường chỉ khoảng 30km từ ngã ba xã Nậm Nèn vào Huổi Mí cũng đã mất gần 5 tiếng đồng hồ đi xe máy.

3 điểm trường đồng thời cũng là 3 cấp học của Huổi Mí (mầm non, tiểu học, THCS) đều nằm chênh vênh trên sườn núi, với cơ sở vật chất đơn sơ, khuôn viên chật chội. Mặc dù được nhà nước hỗ trợ làm lớp học “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), nhưng để đảm bảo cho công tác giảng dạy, trước khi vào năm học mới 2015 -2016, các nhà trường đã phải huy động giáo viên lên rừng lấy tre, tự nhào đất với rơm rạ để sửa những phần “tường” bị hư hỏng do mưa lũ, do lâu ngày nên xuống cấp. Khi đó các giáo viên lại trở thành những “kỹ sư”, “nhà thiết kế” bất đắc dĩ, miễn sao không để học sinh của mình phải chịu cảnh gió lùa tứ phía, nắng chiếu bốn bề.

Trong câu chuyện với thầy giáo Trần Trung Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huổi Mí, chúng tôi được biết, đa phần giáo viên của 3 trường đều là cán bộ trẻ từ dưới xuôi lên lập nghiệp. Mỗi người một hoàn cảnh, một quê khác nhau, nhưng đều chung chí hướng khi đã đặt chân lên mảnh đất xa xôi này. Cô Quỳnh, cô Tươi, thầy Hoản… tất cả còn rất trẻ và đều cảm thấy sợ khi lần đầu tiên đặt chân đến Huổi Mí. Nhưng rồi, chính sức mạnh từ ánh mắt trẻ thơ, những bàn chân tí hon không ngại khó vượt cả chục cây số đường đèo dốc, đá hộc để đi tìm con chữ... đã thôi thúc họ ở lại, bám trụ cùng với sự nghiệp giáo dục nơi đây. Đối với họ, đám trẻ nhỏ bây giờ không chỉ là học sinh, mà là con, là cháu, là những bông hoa nhỏ của núi rừng Tây Bắc cần được chở che, bao bọc và nuôi dưỡng để trưởng thành. Chính bởi thế, ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô lại thay nhau dậy sớm, chẻ củi, đun nước, nấu ăn sáng cho cả trăm học sinh, rồi mới tất tả về phòng sửa soạn cho bản thân để kịp giờ lên lớp. “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, những câu hát đó dường như mãnh liệt hơn, thôi thúc họ trụ vững trên miền đất biên ải này.

Để đảm bảo và duy trì sỹ số lớp đều cho cả năm học, các thầy, cô giáo lại tranh thủ buổi tối, có khi lội bộ cả cây số để đi vận động học sinh. Ở Huổi Mí còn đến 74% là hộ nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế, nhiều người vẫn giữ lối suy nghĩ đơn giản “cái chữ không đem lại cái bụng no”, chính vì thế việc đến tận nhà vận động phụ huynh thay đổi suy nghĩ là điều cần kíp hơn hết. Nhờ có sự tận tâm của các thầy, cô giáo nơi đây, tỷ lệ học sinh ra lớp vài năm gần đây luôn đạt trên 97%.

Khó khăn của giáo dục Huổi Mí chỉ là một ví dụ điển hình trong số những khó khăn của giáo dục vùng cao huyện Mường Chà nói riêng, của tỉnh Điện Biên nói chung. Tuy nhiên, để công tác giáo dục thật sự đạt hiểu quả thì chỉ với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo là chưa đủ, sẽ phải cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, để tiếp thêm động lực giúp các em học sinh đến trường được thuận lợi, đó cũng là mong muốn chung của cả ngành Giáo dục.

Có đi mới biết gian khó vùng cao, có đi mới thấu được công lao người thầy. Rời khỏi Huổi Mí, đọng lại trong chúng tôi không phải là những đoạn đường đầy đá hộc, cơ sở vật chất còn tạm bợ, hay khó khăn đời thường còn chồng chất, mà đó là những đêm thức trắng chong đèn soạn giáo án, những cái âu yếm vỗ về của người thầy dành cho con trẻ khi nhớ nhà, những buổi sớm dậy nấu ăn lem nhọ nồi luốc cả áo quần, những đôi bàn chân sưng tấy, mỏi nhừ vì đi bộ… Tất cả những hình ảnh đó cũng đủ để nói lên tình yêu của họ đối với mảnh đất Huổi Mí này…

Vũ Lợi

Back To Top