Video

Về Na Tông ăn tết người Mông

Thứ Ba, 03/01/2017 09:22 Lượt xem: 10525 In bài viết

ĐBP - Trong khi Tết Nguyên đán còn chừng 1 tháng nữa mới tới, thì trên các bản làng người Mông của xã Na Tông (huyện Điện Biên), không khí tết đã tưng bừng, rộn rã. Đồng bào Mông ở đây quan niệm mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, tháng thừa hay năm nhuận, nên năm mới của họ luôn luôn được khởi đầu từ ngày 361 (tức ngày mùng 1 tết).

Vượt qua những đèo dốc ngút ngàn và hiểm trở, chúng tôi đến các bản vùng cao: Huổi Chan, Sơn Tống, Gia Phú... của xã Na Tông (huyện Điện Biên) – nơi người Mông vẫn gìn giữ nhiều phong tục giản dị và ăn tết theo đúng truyền thống của dân tộc mình. Những bản làng huyền ảo trong sương mờ, núi đá, nay như bừng tỉnh khi những cánh đào rừng đầu tiên đã bắt đầu bung nở. Tết cổ truyền của người Mông ở đây diễn ra từ ngày 28/12 (tức ngày 30/11 âm lịch), và sẽ kéo dài trong khoảng gần nửa tháng.

Chiều 30 tết là thời gian bận rộn nhất, khi các thành viên trong gia đình đều có nhiệm vụ riêng của mình. Người đàn ông, với nhiệm vụ quan trọng là mổ lợn, gà, chuẩn bị thực phẩm trong 3 ngày tết; dọn dẹp nhà cửa, khu vực thờ cúng... Người phụ nữ với đôi bàn tay khéo léo, khẩn trương hoàn thiện những đường may cuối cùng cho chiếc áo truyền thống của các thành viên trong gia đình.

Giống như nhiều dân tộc khác, tết cổ truyền của người Mông cũng có những nét độc đáo riêng. Nếu như người Kinh không thể thiếu bánh chưng trong ngày tết, thì đối với người Mông bánh dày lại là thứ bánh đặc trưng của tết vùng cao. Ghé chân bất cứ ngôi nhà nào ở đây trong những ngày này, âm thanh quen thuộc mà ai cũng có thể cảm nhận được là tiếng chày giã bánh dày nhịp nhàng, chắc nịch của các chàng trai Mông, hòa chung tiếng nói cười rộn rã của các thành viên trong gia đình.

Lễ cúng được làm nhanh gọn, nhưng đầy đủ các thủ tục mang nhiều giá trị tâm linh, như: quét nhà bằng lá tre để xua đuổi tà ma; cúng gà trong nhà mời ông bà, tổ tiên về ăn tết; khấn thần linh ngoài cửa chính... Người Mông đặc biệt tôn thờ thần linh. Với họ, bất cứ đồ vật, cây cối nào cũng đều có linh hồn, chính vì vậy trong nghi thức làm lễ, họ không quên tục dán giấy dó lên các vị trí trong nhà và vật dụng của gia đình, với mục đích thay cho lời mời các vị thần đó về ăn tết.

Sau 3 ngày ăn tết, với hoạt động thăm hỏi và chúc tụng lẫn nhau giữa các gia đình trong bản, bước sang ngày mùng 4 tết, từng đôi trai gái, người già và cả trẻ nhỏ lại xúng xính trong bộ trang phục truyền thống mới được hoàn thành, kéo nhau xuống hội. Họ cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống, như: Tù lu, ném pa pao, bắn nỏ... Và cứ như thế niềm vui ngày tết của người Mông ở Na Tông hòa chung với hương sắc hoa đào, làm nên không khí rộn ràng đặc trưng của sắc xuân nơi núi rừng Tây Bắc...

Hà Linh

Back To Top