Video

Hiệu quả mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học

Thứ Sáu, 06/01/2017 17:47 Lượt xem: 9017 In bài viết

ĐBP - Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc xử lý chất thải là một trong những vấn đề khiến người dân phải tính toán làm sao để đảm bảo vệ sinh môi trường. Một giải pháp hữu hiệu mà một số trang trại trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã ứng dụng, đó là mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học. Mô hình bước đầu mở ra hướng đi đúng đắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bớt rủi ro cho người chăn nuôi, hướng tới chăn nuôi sạch. 

Đây là mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học của Công ty TMCP XNK Điện Biên. Tháng 6/2016, đơn vị đã ứng dụng mô hình đệm lót sinh học vào trong chăn nuôi, bước đầu cho thấy những tín hiệu rất tích cực trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế bệnh dịch cho vật nuôi. Nguyên liệu sử dụng để làm đệm lót sinh học rất đơn giản, dễ tìm và sẵn có tại địa phương, như: trấu, mùn cưa, bột ngô, chế phẩm sinh học, dịch men kết hợp với quy trình sản xuất đơn giản, người chăn nuôi có thể làm được mô hình đệm lót sinh học.

Với chi phí bỏ ra thấp, mô hình đệm lót sinh học có thể sử dụng được từ 2 - 3 năm; vừa giảm chi phí xây dựng chuồng trại, dịch bệnh cũng ít hơn. Lợi ích thiết thực nhất khi ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tiêu phân, từ đó khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm. Ngoài ra, khi chuồng trại sử dụng đệm lót sinh học thì không cần tắm cho lợn hàng ngày mà lợn vẫn sạch sẽ, không hôi, giảm chi phí điện nước và nhân công. Mặt khác, trong thành phần của các chế phẩm men vi sinh có chứa nhiều vi sinh vật hữu ích trộn với thức ăn giúp nâng cao khả năng sinh trưởng, hạn chế bệnh dịch. Sau một thời gian sử dụng, đệm lót còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Học hỏi kinh nghiệm từ những hộ gia đình làm trước, gia đình chị Quàng Thị Pổm, bản Noong Luông, xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) cũng ứng dụng mô hình đệm lót sinh học vào chăn nuôi lợn. Bước đầu, mô hình đã cho kết quả rất khả quan; gần 20 con lợn của gia đình chị đều phát triển tốt, ít bệnh dịch và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Thực tế, mô hình chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Để nhân rộng mô hình này, các cấp, ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thể áp dụng vào trong chăn nuôi, nhằm hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm, góp phần xây dựng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Quang Hưng

Back To Top