Video

Xuân này Thẳm Phẩng no ấm hơn!

Thứ Năm, 21/12/2017 09:49 Lượt xem: 7328 In bài viết

ĐBP - Khi sắc đỏ của loài hoa trạng nguyên nhuộm thắm các bản làng vùng cao, đồng bào Mông lại phấn khởi bước vào năm mới với ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tết cổ truyền là dịp quan trọng nhất trong năm, đồng thời là nơi hội tụ đầy đủ các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông, và cũng chính là bức tranh phản ánh chân thực nhất đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào mỗi vùng miền.

Sớm ngày 17/12 dương lịch (tức 30 Tết theo lịch người Mông), từ khắp các ngôi nhà trong bản Thẳm Phẩng đã vang tiếng chày chắc nịch của các chàng trai, cô gái, với hoạt động giã bánh dày. Đây là món ăn truyền thống không thể thiếu trong nghi thức cúng lễ và mâm cỗ ngày tết của người Mông. Chiếc bánh dày tượng trưng cho trời đất, vòng tuần hoàn cuộc sống và thể hiện khát vọng một năm no ấm, sung túc. Tùy thuộc lượng thóc lúa thu hoạch trong năm, mà mỗi gia đình sẽ lựa chọn quyết định số lượng bánh dày phải giã.

Thẳm Phẩng là bản vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Nặm Lịch (Mường Ảng), với 76 hộ, trong đó 100% đồng bào dân tộc Mông. Rào cản về giao thông khiến đời sống bà con còn nhiều khó khăn, song theo khẳng định của trưởng bản thì vấn đề lương thực luôn được đảm bảo, nên mỗi năm bà con đều cố gắng tổ chức tết truyền thống thật đầm ấm, để con cháu trong gia đình và anh em họ hàng có dịp tụ họp, gặp gỡ, chia sẻ sau một năm lao động vất vả. Năm nay, tết với người Mông Thẳm Phẩng thật sự nhộn nhịp và ý nghĩa hơn khi được các cấp quan tâm đứng ra tổ chức, nhiều khách mời đã vượt đường xa khó khăn để đến chung vui cùng bà con.

Điều khiến ngày tết ở Thẳm Phẩng cuốn hút và đặc biệt hơn so với một số vùng đồng bào dân tộc Mông khác là bà con ở đây tổ chức hết sức tiết kiệm, không rườm rà, song vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, nhất là trong nghi lễ cúng bái. Bản có 2 dòng họ là dòng họ Mùa và dòng họ Chá. Ngày 30 tết, mỗi gia đình không tự bày vẽ cúng bái riêng mà tập trung cúng 1 lần duy nhất theo dòng họ. Tại đây, các thế hệ con cháu trong dòng họ cùng tụ họp để thầy cúng làm các nghi lễ cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới, sức khỏe dồi dào, làm ăn no đủ, con cháu hiếu thảo, trưởng thành, đi xa gặp nhiều may mắn...

Tùy thuộc vào từng điều kiện, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị đồ cúng và thực phẩm trong mấy ngày tết. Nhà có điều kiện thì mổ trâu; khó khăn hơn sẽ mổ lợn, gà, tất cả đều do bà con tự nuôi trồng được. Và dù khó khăn, hay sung túc, thì đối với họ, ngày tết vẫn là dịp quan trọng không thể thiếu trong cả đời sống tâm linh lẫn tinh thần của bà con. Vì thế, sau các hoạt động lễ nghi thiêng liêng, bà con lại hồ hởi, nô nức với các hoạt động vui tết. Các chàng trai, cô gái say trong tiếng khèn, quả pao; người trung niên, trẻ nhỏ náo nhiệt với trò bắt lợn, đánh tù lu... Những ánh mắt rạng ngời và tiếng cười ròn tan cứ thế vang vọng khắp bản làng, xua đi những khó khăn, thiếu thốn và cái lạnh mùa đông vùng cao, như đã khẳng định: Xuân này Thẳm Phẩng no ấm hơn!

Hà Linh

Back To Top