Video

Vượt khó bước vào năm học mới

Thứ Bảy, 05/09/2020 18:11 Lượt xem: 14926 In bài viết

ĐBP - Đây là các em học sinh các khối lớp: 3, 4 và 5 của Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lói (huyện Điện Biên). Sau những ngày nghỉ hè bên gia đình ở bản Tin Tốc (xã Mường Lói), giờ đây các em đang trên đường đến trường để tiếp tục học tập. Cây cầu bê tông bắc qua suối Nậm Ma vẫn chưa xây xong nên để đến được trường học, các em học sinh phải lội qua dòng suối này mới đến được điểm trường trung tâm. Khởi đầu năm học 2020 - 2021, thời tiết khá ủng hộ thầy và trò nhà trường khi không có mưa to, lũ lớn. Vì thế nước suối cũng xuống thấp hơn và không chảy xiết như những năm trước đây. Nhưng nước suối vẫn còn ngập gần đến ngực người lớn, vì vậy để con đường đến trường của các em an toàn hơn, phụ huynh và các thầy, cô giáo trong nhà trường đã giúp đỡ các em vượt suối.

Nhà cách trường 8km, những năm học trước, em Lường Thị Hưng, học sinh lớp 5A2, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lói cùng các bạn trong bản Tin Tốc muốn đi đến trường đều phải “trèo đèo, lội suối”. Năm học này, được thầy, cô giáo tới tận bản đưa đến trường nên con đường từ bản đến trường của các em đỡ vất vả hơn.

Nằm trên địa bàn huyện Điện Biên nhưng việc dạy và học của Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lói còn rất nhiều khó khăn vì dân cư không tập trung, học sinh phân tán. Năm học 2020 – 2021, trường có 248 học sinh, trong đó có 146 học sinh bán trú. Để tổ chức dạy và học cho số học sinh độ tuổi khối lớp 1, 2, nhiều điểm trường bản được mở ra để đưa con chữ đến với trẻ; còn đối với khối lớp lớn hơn, các thầy, cô giáo phải đưa học sinh từ điểm bản xa xôi, như: Huổi Chon (cách trường 40km), Huổi Không (cách trường 26km) về trường trung tâm. Đường sá đi lại cách trở nên chuẩn bị đến năm học mới, thầy cô giáo đều phải lên tận bản vận động, đưa đón học sinh về trường học tập. Không chỉ khó khăn về việc huy động học sinh ra lớp mà nhà trường còn gặp khó khăn về chỗ ở cho học sinh bán trú. Dù khó khăn, thiếu thốn, song cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lói vẫn cố gắng để các em được đến trường học tập.

Đây là những đồ dùng cá nhân mà em Sùng A Chầu, học sinh lớp 8C3, Trường PTDTBT THCS Mường Mươn (huyện Mường Chà) vừa mang từ nhà xuống trường. Vượt qua quãng đường dài hơn 10km từ bản Kết Tinh, hành trang của em chỉ có vậy thôi. Là con lớn trong gia đình có đông anh em, Chầu thường phải giúp bố mẹ trông em, làm nương nên bố mẹ cũng không mấy mặn mà với việc em đến trường đi học. Trong khi đó, nhà em lại xa trường, hoàn cảnh khó khăn, khiến ước mơ học tập của em gặp không ít trắc trở. Song, được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo cùng tinh thần hiếu học, em Sùng A Chầu đã vượt qua mọi rào cản để tiếp tục cắp sách đến trường.

Con đường đến trường của học sinh vùng cao không chỉ gập ghềnh bởi đồi núi, sông suối cách trở, mà còn do hoàn cảnh thiếu thốn cản trở ước mơ của các em. Căn nhà tranh tre, vách nứa này của ông bà ngoại em Lò Thị Quyết, học sinh lớp 6A2, Trường PTDTBT THCS Mường Mươn. Từ khi sinh ra, Quyết đã gặp nhiều bất hạnh vì không có cha; nay mẹ lại đi thêm bước nữa khiến ước mơ đến trường của em tưởng chừng sẽ dang dở. Rất may Quyết được ông bà ngoại chăm sóc và thầy, cô quan tâm, động viên, hỗ trợ trang thiết bị học tập nên em vẫn được cắp sách đến trường.

Hiện nay, việc đưa học sinh đến trường khó khăn do một số điểm trường dân cư rải rác cách xa nhau, khoảng cách từ nhà đến điểm trường xa, giao thông đi lại không thuận tiện… Chính vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo các huyện đã chỉ đạo các nhà trường tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã, trưởng các thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc huy động trẻ ra lớp. Các nhà trường đã họp bàn, giao trách nhiệm cho từng cán bộ, giáo viên phụ trách xuống các bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cũng như huy động học sinh đến trường; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời về chế độ, chính sách, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh tiếp tục đến lớp.

Đối với huyện chịu thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học do thiên tai, lũ lụt như Nậm Pồ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuẩn bị cho các em học sinh bước vào năm học mới. Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã  chỉ đạo các trường nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ để sớm đưa học sinh trở lại trường, ổn định công tác dạy và học.

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho năm học mới. Trong năm học 2020 – 2021, tỉnh Điện Biên có gần 200 nghìn học sinh được cắp sách đến trường. Trong số đó rất nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các em có hoàn cảnh khó khăn phải nỗ lực để giành “quyền” được đến trường. Hy vọng, sự cố gắng của các em cùng với sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo sẽ là tiền đề để các em vượt qua mọi gian khó, tiếp tục đạt được nhiều thành tích trong năm học mới.

Phạm Quang

Back To Top