TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX của Đảng

00:00 - Thứ Hai, 18/01/2016 Lượt xem: 2115 In bài viết
ĐBP - Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Trên thế giới, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về dân tộc, sắc tộc và tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Trong nước, công cuộc đổi mới của nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt nhưng cũng phải đối đầu với nhiều thách thức, như: Nguy cơ tụt hậu về kinh tế, “diễn biến hoà bình”, tệ quan liêu, tham nhũng, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tình hình thế giới và thực tiễn đặt ra cho Đảng ta những nhiệm vụ và bước đi mới.

Trong hoàn cảnh đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28/6 - 1/7/1996, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2.130.000 đảng viên trong cả nước. Đại hội đã thông qua những văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII; Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996 - 2000); Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 1996 - 2000. Đó là tập trung sức cho mục tiêu phát triển, đến năm 2000, GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi năm 1990. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 9 - 10%. Phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, gắn với  công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hàng năm 4,5 - 5%. Phát triển các ngành công nghiệp, chú trọng trước hết công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm 14 - 15%. Đến năm 2000, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 34 - 35% trong GDP; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 45 - 46%. Tăng nhanh khả năng và tiềm lực tài chính của đất nước, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Giải quyết tốt một số vấn đề xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Tích cực chuẩn bị và tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000, chủ yếu là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng và một số công trình công nghiệp then chốt, hình thành đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII bao gồm 170 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 19 - 22/4/2001, với sự tham gia của 1.168 đại biểu là những đảng viên ưu tú được bầu từ các đại hội đảng bộ trực thuộc, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội IX của Đảng đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đại hội IX có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ta ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới. 

Đại hội xác định mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đường lối kinh tế của Đảng được Đại hội thông qua là: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Cùng với lĩnh vực kinh tế, Đại hội IX đã xác định đường lối lãnh đạo đối với các lĩnh vực khác: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Tăng cường quốc phòng và an ninh”; “Mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”; “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”; “Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”; "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đại hội khẳng định phải coi xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Đảng ta, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đại hội IX đã hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 với mục tiêu tổng quát là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá IX gồm 150 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.    

Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

T.K (Theo dangcongsan.vn)
Bình luận
Back To Top