“Nhịp cầu” gần dân

00:00 - Thứ Hai, 01/02/2016 Lượt xem: 2233 In bài viết
ĐBP - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khắp nơi trong tỉnh xuất hiện những tấm gương điển hình về “dân vận khéo”. Với họ - người làm công tác dân vận, dù cách làm khác nhau, môi trường làm việc không giống nhau nhưng đều chung mục đích là vì lợi ích nhân dân, lợi ích cộng đồng…

Khéo vận động quần chúng để an dân

Trước khi gặp Đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh chúng tôi được nghe nhiều về thành tích “vàng” mà 2 lần liên tiếp ông được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen về điển hình dân vận khéo giai đoạn 2005 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015. Kinh nghiệm vận động quần chúng của Đại tá Tráng A Tủa được gom góp từ những năm tháng “bám” bản giúp dân. Từ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh hoạt động lập “Vương quốc Mông” hay vận động củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xóa tụ điểm phức tạp về ma túy ở những địa bàn “nóng”; hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… Điều Đại tá Tráng A Tủa đúc kết sau mỗi chuyến về cơ sở đó chính là phải biết lắng nghe tâm tư của người dân để rồi nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Chính sự gần gũi, sẻ chia của người làm dân vận là cách để bà con trao gửi niềm tin và cũng giúp Đại tá Tráng A Tủa nắm chắc tình hình cơ sở, tham mưu và giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh ra quân tăng cường cơ sở.

Ngược thời gian hơn 5 năm trước, lúc ấy Đại tá Tráng A Tủa đang giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh. Trước sự việc hàng nghìn người Mông từ nhiều tỉnh ồ ạt kéo về “miền đất hứa” Huổi Khon (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), Đại tá Tráng A Tủa được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ trinh sát và cùng với hàng trăm cán bộ chiến sỹ công an nhận nhiệm vụ trực tiếp tải lương, phát thuốc, chăm sóc người già, trẻ nhỏ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, sau đó là vận động nhân dân quay về nơi ở cũ. Với người dân sở tại và các vùng lân cận, Đại tá Tráng A Tủa phối hợp với chính quyền tổ chức họp dân, tuyên truyền cho dân hiểu thủ đoạn, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của kẻ xấu, giúp người dân nâng cao nhận thức, an cư làm kinh tế. Giờ đây đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh, công việc, trọng trách nặng nề hơn, nhưng với những kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm lăn lộn cơ sở làm công tác vận động quần chúng, Đại tá Tráng A Tủa lại là người “tiếp lửa” để mỗi cán bộ chiến sỹ trong ngành hoàn thành tốt hơn khi về với nhân dân, với bản làng.

Dân vận khéo nhờ làm kinh tế giỏi

Đường làng ngõ xóm ở xã thuần nông Noong Hẹt (huyện Điện Biên) trở nên phong quang, sạch sẽ; đời sống kinh tế của người dân nhiều khởi sắc có sự góp sức không nhỏ của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cà Văn Phốm. Nổi tiếng trong vùng bởi không chỉ làm công tác giỏi mà còn là điển hình làm kinh tế. Và cũng nhờ làm kinh tế giỏi, ông Phốm chia sẻ kinh nghiệm, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ cách làm thuận lợi hơn. Người dân trong xã tin yêu gọi ông bằng tên thân mật “ông Phốm dân vận”. Tâm sự với chúng tôi khi lựa chọn “điểm nhấn” vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, kinh doanh giỏi, ông Phốm cho hay chính là xuất phát từ điều kiện thực tế đời sống nhân dân tại các thôn, bản trong xã còn nhiều khó khăn. Xác định chỉ nói suông thì không hiệu quả mà nói phải đi đôi với làm để bà con thấy được lợi ích, hiệu quả thực hiện theo. Đó là động lực để ông Phốm không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà để bản thân vươn lên làm kinh tế. Thành quả đạt được cho sự nỗ lực, cố gắng đó là thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông Phốm còn tích cực vận động, trao đổi kinh nghiệm để các hộ dân trong xã, đặc biệt 15 hộ trong bản Bông B - nơi gia đình sinh sống cùng làm kinh tế và đến nay đều có kinh tế khá giả.

Gần dân, sẻ chia khó khăn với nhân dân là cách làm dân vận. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 741 giúp người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên làm cầu tạm đi lại sau mùa mưa lũ năm 2015.

Tích cực hoạt động phong trào hội, ông Phốm cùng các ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã thường xuyên vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, qua đó đã thu hút đông đảo hội viên. Đến nay, 76% hộ dân trong xã và phần lớn số gia đình trong bản Bông B áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng 288 mô hình sản xuất, thâm canh tăng vụ, kinh doanh giỏi. Đời sống sản xuất khá giả, ông Phốm tiếp tục vận động bà con tham gia làm đường bê tông nông thôn, lắp đặt hệ thống cống thoát nước trong các khu dân cư.

Lan tỏa những điển hình “dân vận khéo”

Thấm nhuần lời dạy của Bác về công tác dân vận: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, với nhiều nội dung, phương thức hoạt động đa dạng, thiết thực, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong toàn tỉnh. Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo ở cơ sở được rút ra và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Pờ Diệp Sàng, khẳng định: Lan tỏa nhờ hoạt động thiết thực, hiệu quả bám sát thực tiễn của địa phương, nhiều mô hình “Dân vận khéo” được nhân rộng và vận dụng sáng tạo. Đến nay toàn tỉnh có 756 mô hình “Dân vận khéo” tập thể, cá nhân; trong đó có 158 mô hình về phát triển kinh tế, 154 mô hình văn hóa - xã hội, 144 mô hình về quốc phòng - an ninh và 300 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Từ mô hình “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành các mô hình gắn với quyền và lợi ích của người dân, như: “Khéo” vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ rừng; “Khéo” vận động nhân dân trong xóa đói giảm nghèo; “Khéo” vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào tự quản về an ninh trật tự; “Khéo” vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới; Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang “khéo” vận động nhân dân với phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”… Lan tỏa sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, các cấp, ngành, phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top