Hoạt động của Ban liên lạc Hội truyền thống Điện Biên – Lai Châu

“Ba quê lại chính một nhà”

00:00 - Thứ Ba, 02/02/2016 Lượt xem: 1933 In bài viết
ĐBP - “Mỗi lần thăm lại Điện Biên, cảm xúc của chúng tôi như đang trở về với quê hương thứ hai của mình – nơi mà chúng tôi đã sống, chiến đấu, làm việc và gắn bó nhiều năm. Dù ở khoảng cách rất xa, nhưng chúng tôi luôn nhớ về Điện Biên, vẫn dõi theo Điện Biên phát triển từng ngày…” – Lời tâm sự của bác Phạm Văn Hòe, Trưởng Ban liên lạc (BLL) Hội truyền thống Điện Biên – Lai Châu (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) như một sự khẳng định về tình cảm của những người con Hải Dương dành cho “quê hương” Điện Biên.

Cách đây hơn 20 năm (5/10/1993), được sự nhất trí của UBND thị xã Hải Dương, BLL Hội truyền thống Điện Biên -  Lai Châu tại thị xã Hải Dương (nay là TP. Hải Dương) được thành lập, với 41 hội viên là những người có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương Điên Biên - Lai Châu, trong đó có 9 người là chiến sỹ Điện Biên Phủ. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ từ quê hương thứ hai của mình, mọi người lại trở về Hải Dương, quê cha đất tổ để sinh sống và tiếp tục làm việc. Mặc dù mỗi người một công việc, một cuộc sống mới, nhưng hàng năm cứ vào dịp tết đến, xuân về, họ lại cùng nhau tụ họp để ôn lại những năm tháng chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển trên quê hương Điện Biên - Lai Châu ngày ấy.

Bác Phạm Văn Hòe, Trưởng ban BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu trao quà cho học sinh Mường Phăng.

Hơn nửa thế kỷ qua, nghĩ về quá khứ, các hội viên BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu vinh dự, tự hào về một thời đã cùng với đồng bào các dân tộc Điện Biên - Lai Châu góp công, góp sức và cả máu xương của đồng đội, đồng nghiệp đã đổ xuống thấm trộn vào lòng đất Điện Biên - Lai Châu lịch sử. Nhiều bác và anh chị em vừa đặt chân đến quê hương mới đã phải leo núi, lách rừng đến nơi vùng cao xa xôi hẻo lánh để cùng ăn, cùng ở với đồng bào, hướng dẫn đồng bào về cách làm ăn mới. Có những bác không quản ngày đêm, khó khăn gian khổ, đường rừng hiểm trở, đi từ bản này đến bản khác để dạy cho mọi người học chữ, học tiếng và phòng, chống bệnh. Trong quá trình công tác, rèn luyện, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, như các bác: Trần Trinh, Phùng Văn Kỉnh, Vũ Song, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Phúc Ứng, Nguyễn Nhật Tăng, Phạm Văn Tào…

Dù đã 25 mùa xuân xa Điện Biên - Lai Châu, nhưng bác Phạm Văn Hòe - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Quang Trung -Trưởng BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu vẫn ghi sâu trong ký ức những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho mảnh đất anh hùng Điện Biên Phủ. Là một trong những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bác Hòe cho biết: Sau giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954), bác cùng các anh em đơn vị (Trung đoàn 176, Sư đoàn 316) trở về miền xuôi. Đến năm 1958, đơn vị bác được điều động trở lại chiến trường Điện Biên Phủ để khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ tay súng, bác tiếp tục cùng các anh em trong đơn vị chuyển sang tay cuốc, tay cày, tay búa, tay kìm tháo gỡ những bãi bom mìn, hàng rào dây thép gai, san lấp hố bom, hầm hào… Rồi cùng thanh niên xung phong từ miền xuôi tình nguyện lên Điện Biên, mở mang đồng ruộng, ngăn sông, đào đắp hồ đập, như: Sông Nậm Rốm, hồ Pá Khoang, đập Huổi Phạ… Các hội viên BLL truyền thống Điện Biên - Lai Châu hôm nay chính là những người đã sản xuất ra lương thực, thực phẩm và sản phẩm thiết yếu để cung cấp cho cán bộ, công nhân viên cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân Điện Biên - Lai Châu, nhằm giảm bớt khó khăn cho Nhà nước đỡ phải vận chuyển từ dưới xuôi lên. Từ đó mọi người càng trở nên gắn bó với nhau, lấy “Điện Biên - Lai Châu làm quê hương”, lấy “công - nông - lâm trường làm gia đình”.

30 năm cống hiến cho mảnh đất Điện Biên – Lai Châu, trải qua nhiều công việc khác nhau, từ bộ đội chuyển ngành về công tác tại Nông trường Điện Biên, rồi sang làm Phó trại trưởng Trại giống lợn cấp 1 tỉnh Lai Châu; sau đó chuyển về Ty Nông nghiệp Lai Châu, giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Kế toán, bác Phạm Văn Hòe đã chứng kiến bao sự đổi thay của vùng đất này. Nhưng giờ đây, bác và những hội viên BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu vẫn không khỏi ngạc nhiên khi mỗi lần về với Điện Biên, lại thấy sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Từ cơ sở hạ tầng đến đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân; nhiều di tích lịch sử được tôn tạo… đã minh chứng cho một Điện Biên đổi mới và phát triển.

Không riêng bác Hòe, mà tất cả những hội viên từng tham gia chiến đấu, công tác tại quê hương Điện Biên - Lai Châu, đều dành tình cảm đặc biệt cho mảnh đất này. Mỗi lần thăm lại Điện Biên, các thành viên BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu không quên mang theo những suất quà ý nghĩa dành tặng cho đồng bào nghèo và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, như: quần áo ấm, học bổng, mỳ tôm… Những năm gần đây, vào các dịp đặc biệt: Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; hưởng ứng Tháng Hành động vì người nghèo; chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu lại phối hợp với các tổ chức hội khác, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn TP. Hải Dương quyên góp, ủng hộ kinh phí, quà… để dành tặng cho đồng bào, học sinh nghèo của tỉnh Điện Biên - Lai Châu. Trong trận lũ lịch sử năm 1990 và trận động đất năm 2001, xuất phát từ tình cảm, tấm lòng luôn hướng về Điện Biên - Lai Châu, những người con Hải Dương từng sống, chiến đấu và làm việc trên quê hương Điện Biên - Lai Châu đã vận động quyên góp, ủng hộ tiền gửi đến những bà con, đồng bào nghèo bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Những phần quà tuy không lớn, nhưng lại chứa đựng rất nhiều tình cảm, thể hiện sự chia sẻ mất mát, khó khăn đối với người dân Điện Biên - Lai Châu.

Vào dịp cuối năm 2015, chúng tôi may mắn được cùng đoàn từ thiện BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu, phối hợp với Hội Người cao tuổi phường Quang Trung trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào nghèo của xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, mới thấy được ý nghĩa của chuyến đi này. Mặc dù các thành viên trong đoàn tuổi đã cao, nhiều bác ngoài 80 tuổi nhưng vẫn hăng hái vượt qua quãng đường dài hàng nghìn km, từ Hải Dương qua các bản, làng xa xôi của Lai Châu, rồi vòng về Điện Biên để làm từ thiện. Với những phần quà, gồm: quần áo ấm, học bổng và những thùng mì tôm được mang đến từ Hải Dương đã làm ấm lòng hàng trăm em học sinh và đồng bào nghèo của xã Mường Phăng nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung trong cái lạnh, rét của những ngày cuối năm Ất Mùi.

Bác Nguyễn Minh Đệ, hội viên BLL Hội truyền thống Điện Biên -Lai Châu, thành viên đoàn từ thiện tâm sự: “Khi nào chúng tôi còn sức khỏe, chúng tôi vẫn muốn trở về với quê hương Điện Biên, để được tận mắt chứng kiến sự phát triển, đổi thay trên mảnh đất này; đồng thời muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình để mang niềm vui đến với các cháu học sinh và đồng bào nghèo tỉnh Điện Biên…”.

Cảm động trước tấm lòng của các bác, từ tháng 9/2015, Ban biên tập Báo Điện Biên Phủ đã quyết định gửi báo biếu cho các bác cao tuổi, có nhiều năm công tác tại Điện Biên - Lai Châu nay về sinh sống tại TP. Hải Dương, như: bác Phạm Văn Hòe, bác Trần Trinh. Theo bác Phạm Văn Hòe, từ khi được nhận báo biếu, bản thân bác cũng như mọi người trong BLL rất phấn khởi, và truyền tay nhau đọc. “Nhờ có Báo Điện Biên Phủ mà chúng tôi biết được rất nhiều thông tin về Điện Biên, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng đến đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là ấn phẩm Cuối tuần phản ánh một cách rất sâu sắc” - bác Hòe cho biết.

Hiện nay, BLL Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu có gần 200 hội viên; người cao tuổi nhất là 87, ít tuổi nhất là 45. Phát huy truyền thống người Điện Biên - Lai Châu năm xưa, nhiều bác tuổi đã cao, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương; có bác tham gia công tác, giữ các chức vụ ở phường đến các khu dân cư với thời gian hàng chục năm, như các bác: Trần Trinh, Phạm Văn Hòe, Phạm Văn Tào, Vũ Song, Nguyễn Nhật Tăng, Vũ La, Nguyễn Văn Bổng…

Kể từ ngày thành lập, bao nhiêu mùa xuân cũng là bấy nhiêu lần họp mặt để các thành viên Hội truyền thống Điện Biên - Lai Châu ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu, công tác trên quê hương Điện Biên - Lai Châu; và cũng để khẳng định tình cảm gắn bó giữa Hải Dương – Điện Biên – Lai Châu, theo đúng tinh thần của 2 câu thơ: “Ba quê lại chính một nhà/ Vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top