Điện Biên Đông bừng lên sức sống

00:00 - Thứ Ba, 02/02/2016 Lượt xem: 1870 In bài viết
ĐBP - Thành lập 20 năm trên nền tảng những khó khăn, thiếu thốn song giờ đây Điện Biên Đông đang bừng lên sức sống mới về mọi mặt, hòa nhập với sự phát triển chung của tỉnh.

Theo giới thiệu của Văn phòng Huyện ủy Điện Biên Đông, chúng tôi gặp ông Lò Oai Khụt, nguyên Chủ tịch HĐND huyện cũng là người uy tín sống tại tổ 2, thị trấn Điện Biên Đông. Biết chúng tôi tìm hiểu về Điện Biên Đông, ông Lò Oai Khụt hồ hởi cho biết, 20 năm trước, khi tách ra từ huyện Điện Biên, “cơ ngơi" của huyện Điện Biên Đông gần như là con số không. Văn phòng làm việc của cán bộ huyện chỉ là hai dãy nhà cấp 4; giao thông đi các xã 100% là đường đất; 10/11 xã chưa có lưới điện quốc gia; trường học, trung tâm y tế là nhà tạm khiến công tác dạy học, khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân lúc bấy giờ vô cùng thiếu thốn, trên 50% dân số bị thiếu đói triền miên, tệ nạn ma túy ngập tràn, nhất là các xã: Phình Giàng, Mường Luân, Luân Giói, Na Son...

Bằng sự nỗ lực, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Điện Biên Đông đã thực hiện đổi mới cơ cấu nông nghiệp, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất; khuyến khích trồng trọt theo mô hình chuyên canh, xen canh, nhất là các giống cây công nghiệp ngắn ngày, như: Mía, lạc, đậu tương, bông... Chính quyền huyện tăng cường công tác vận động nhân dân ổn cư để lập nghiệp, không phá rừng, xóa bỏ các hủ tục, nhất là hủ tục trong đồng bào dân Mông.

Những việc làm thiết thực đã tạo nên kỳ tích, đến nay huyện Điện Biên Đông đã thay đổi vượt bậc từ các bản xa xôi cho đến xã, thị trấn trong huyện. Những xã khó khăn nhất như: Phì Nhừ, Sa Dung, Phình Giàng, Pú Hồng, giờ chỉ còn dưới 20% hộ nghèo. Thu nhập bình quân lương thực đạt 434kg/người/năm. Riêng sản lượng lúa nước vụ mùa đã sánh ngang sản lượng của tổng diện tích lúa nương cả năm, vì vậy chuyện người dân du canh du cư, đốt rừng làm nương đã lùi xa vào quá khứ.

Cơ sở vật chất cũng được Trung ương và tỉnh Điện Biên quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Từ ngân sách Trung ương, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn Dự án Giảm nghèo (WB), nguồn Chương trình 30a, huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho từng xã, bản. Giờ đây, những gian phòng làm việc mới mẻ, khang trang đã thay thế các mái nhà cấp 4 tạm bợ, dột nát hôm nào; đường giao thông liên xã, liên bản được rải bê tông; lưới điện quốc gia kéo vào từng ngõ, xóm; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học trong những lớp học 3 cứng...

Chặng đường 20 năm trải qua bao khó khăn, thách thức, song nhờ sự đồng lòng, thống nhất, nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, Điện Biên Đông đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khởi sắc, đi lên theo hướng huyện nông thôn mới.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top