Thực hiện Đề án “Xã hội hóa PBGDPL và TGPL giai đoạn 2013 – 2016”

Góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

09:24 - Thứ Tư, 28/09/2016 Lượt xem: 3248 In bài viết
ĐBP - Đề án “Xã hội hóa phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2013 - 2016” được triển khai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2014. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, Đề án đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, không chỉ tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các cấp Hội Luật gia, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp mà còn phát huy vai trò của các tổ chức, đơn vị này trong công tác PBGDPL và TGPL, góp phần nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

 

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Thanh yên, huyện Điện Biên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho hội viên.

Ông Lương Mai Sao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết: Xác định công tác PBGDPL và TGPL là hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết của người dân về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngay sau khi Đề án được triển khai, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá chính sách pháp luật hiện hành về xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL, đồng thời tích cực nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất các giải pháp hoàn thiện; chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi để huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ công tác PBGDPL và TGPL. Song song với đó, Hội cùng với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động PBGDPL và TGPL cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phong phú, như: Tổ chức các lớp tập huấn; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, cuộc họp dân; PBGDPL lưu động; qua câu lạc bộ (CLB) pháp luật, TGPL; băng rôn, khẩu hiệu, phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về pháp luật gắn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”… Đặc biệt, từ thực tế hoạt động, Hội đã phối hợp với chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL phù hợp. Đó là việc duy trì hoạt động của 137 CLB pháp luật, như: CLB TGPL, phòng, chống tội phạm, phụ nữ với pháp luật, an toàn giao thông… Thông qua các buổi sinh hoạt theo định kỳ, sinh hoạt lồng ghép, các CLB đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PBGDPL và TGPL cho các luật gia, cán bộ tư vấn pháp luật, cán bộ làm công tác PBGDPL của các tổ chức chính trị - xã hội. Từ năm 2014 đến nay, Hội đã tổ chức 9 lớp tập huấn, bỗi dưỡng kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho 313 người. Xác định đội ngũ trưởng bản là một kênh thông tin quan trọng trong việc truyền tải thông tin về chính sách, pháp luật tới người dân nên việc nâng cao kiến thức pháp luật cho họ là hết sức cần thiết. Do đó, 3 năm qua, Hội đã tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho hơn 200 trưởng bản thuộc các xã, huyện vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Hội tổ chức biên soạn, xuất bản và cung cấp tài liệu bổ trợ kiến thức, kỹ năng PBGDPL và TGPL phục vụ công tác tuyên truyền. Thời gian qua, Hội đã biên soạn, xuất bản và phát hành miễn phí 2.400 cuốn bản tin “Luật gia Điện Biên” với 120 tin, bài. Trong đó, ngoài những tin tức hoạt động của Hội, địa phương, bản tin còn giới thiệu các văn bản pháp luật, chính sách mới ban hành, bài nghiên cứu, phản biện… Hội biên soạn, phát hành 580 bộ tài liệu tập huấn về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tố cáo, quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn… Ngoài ra, Hội tích cực hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực, đồng thời đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để thúc đẩy hoạt động PBGDPL và TGPL.

Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với những hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, Đề án “Xã hội hóa PBGDPL và TGPL giai đoạn 2013 - 2016” trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Đặc biệt, trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều thành phần dân tộc, trình độ người dân còn hạn chế, việc thực hiện Đề án có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường hiểu biết của người dân về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để từ đó tự bảo vệ bản thân và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình...

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top