Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017

15:11 - Thứ Tư, 17/05/2017 Lượt xem: 6016 In bài viết
ĐBP - Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng 4 Phó Thủ tướng: Vũ Đức Đam, Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu trực tuyến; 2.000 doanh nghiệp đại diện cho hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Các đồng chí Trần Văn Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu tỉnh Điện Biên, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và 25 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung đánh giá những kết quả, hạn chế sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đặc biệt là tập trung đánh giá những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tồn tại, yếu kém trong triển khai Nghị quyết, qua đó đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp kiến nghị: Chính phủ cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết 35, đặc biệt là cần đưa ra các giải pháp khắc phục ngay tình trạng: trên quyết liệt, dưới nhênh nhanh, thậm chí trên bảo, dưới không nghe trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước tại một số bộ, ngành và các địa phương. Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt hơn việc rà soát, loại bỏ những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hợp lý. Đây là nguyên nhân tạo cơ hội để một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu tiêu cực. Đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tránh việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình hành động Chính phủ kiến tạo, chính quyền đồng hành với doanh nghiệp; Chính phủ cần có những quy định cụ thể về việc đấu giá quyền sử dụng đất; đưa ra các giải pháp vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án… Đại diện Phòng thương mại Hoa Kỳ, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… đề nghị với Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục minh bạch hoá trong vấn đề thực hiện các Luật, quy định của Chính phủ nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt là trên lĩnh vực hải quan và thuế; cấu trúc lại thị trường bán lẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường Việt Nam…

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh Điện Biên đã bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện rõ quan điểm “doanh nghiệp, người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm”; chỉ đạo các đơn vị không hình sự hoá các quan hệ kinh tế; thực hiện cải cách hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm), kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra; tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp để tiếp thu, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đi đôi với đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa còn 3 ngày; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 10 ngày (đối với dự án không phải cấp quyết định chủ trương đầu tư)…

Phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa ký Chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm; Chính phủ cam kết xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao; các tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thuế, đăng ký kinh doanh; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Chính phủ sẽ tăng cường đôn đốc kiểm tra các ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP; xây dựng thể chế, chính sách tạo môi trường đầu tư minh bạch; khắc phục tình trạng thuế, phí còn cao, đặc biệt là trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Chính phủ và các cơ quan chức năng tăng cường công tác cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp; các cơ quan chức năng khắc phục ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thân thiện, đảm bảo ổn định chính trị, thượng tôn pháp luật. Chính phủ sẽ tập trung các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp như: Chi phí thời gian gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hoá tiếp cận những ưu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị của Nhà nước và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hàng hoá, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước…

Tin, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top