Quốc hội Khóa VI, quyết định đặt tên nước:

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

08:31 - Thứ Năm, 29/06/2017 Lượt xem: 8851 In bài viết
ĐBP - Hơn bốn thập niên đã trôi qua kể từ cuộc bầu cử của nước Việt Nam thống nhất, nhưng ý nghĩa thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn, tự hào. Vào những ngày cuối tháng 4/1976, hơn 23 triệu cử tri của hai miền Nam - Bắc đã nô nức tham gia Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trên phạm vi cả nước, sau lần đầu tổ chức ngày 6/1/1946. Đó là ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất non sông, biểu dương lực lượng vĩ đại của nhân dân ta.

Cuộc bầu cử ngày 25/4/1976 đã trở thành ngày hội thống nhất non sông, bầu ra 492 đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 98,77%. Dù là cuộc bầu cử chung trên toàn quốc lần thứ 2 nhưng vẫn được gọi là Quốc hội khóa VI bởi khi đất nước chia cắt, miền Bắc vẫn tổ chức bầu cử và cuộc bầu cử lần này đã đảm bảo tính liên tục về mặt pháp lý của nhà nước ta. Hơn thế, cuộc bầu cử năm 1976 còn có ý nghĩa lớn hơn là thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

 

Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI, tháng 4/1976. Ảnh tư liệu

Trước đó, Quốc hội khóa V (1975 - 1976) được bầu ngày 06/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm, nên Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, nhưng đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 12/1975), Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.

Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội.

Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mớir

(Theo tài liệu tuyên truyền của Quốc hội)

Bình luận
Back To Top