Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới

08:26 - Thứ Năm, 03/08/2017 Lượt xem: 9695 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, Điện Biên đã có trên 10 nghìn hộ với trên 60 nghìn người theo các tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo, Công giáo, Tin lành và một số hiện tượng mang tính chất tôn giáo. Sự xuất hiện và hoạt động của các tổ chức, hệ phái tôn giáo đòi hỏi sự quản lý, hướng dẫn chặt chẽ, cụ thể của chính quyền các cấp, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo và chức sắc, tín đồ tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, sống tốt đời, đẹp đạo.

Cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định pháp luật. Các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Hiện nay, Điện Biên đã chấp thuận và công nhận cho 2 tổ chức tôn giáo thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc và thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên và Giáo xứ Điện Biên. Riêng với đạo Tin lành, chính quyền cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt cho 50 điểm nhóm. Đây là điều kiện quan trọng để các hoạt động tôn giáo sinh hoạt ổn định, đi vào nề nếp và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

 

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cho người dân bản Phủ. Ảnh: Đức Linh

Hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn. Hiện nay tỉnh đã thành lập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; ở cấp huyện, các phòng nội vụ phân công 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên phụ trách, theo dõi công tác tôn giáo; ở các xã có tôn giáo đều bố trí 1 phó chủ tịch UBND xã phụ trách và 1 công chức xã kiêm nhiệm, hoặc cán bộ bán chuyên trách theo dõi công tác tôn giáo. Thông qua hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề, sự vụ liên quan tới hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là tăng cường đoàn kết giữa đồng bào có tôn giáo và đồng bào không tôn giáo, giúp cho đồng bào có tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện để chức sắc, tín đồ tôn giáo được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện các lễ nghi trong khuôn khổ pháp luật; quan tâm thăm hỏi, động viên, chúc mừng các tổ chức tôn giáo nhân các dịp lễ; xây dựng xu hướng đối thoại, hợp tác giữa chính quyền với tổ chức tôn giáo trong giải quyết các vấn đề liên quan tới tôn giáo... Do đó, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; các chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Những kết quả nêu trên là sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo và thực hiện pháp luật về tôn giáo ở Điện Biên. Tuy nhiên, bên cạnh đó các thế lực thù địch lợi dụng đức tin và sự thật thà, chất phác của người dân, nhất là người dân vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ còn hạn chế để tuyên truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo người dân theo các tà đạo, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, địa bàn tỉnh rộng, địa hình hiểm trở, đường biên giới dài; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo còn hạn chế; việc nắm và quản lý địa bàn, đối tượng ở cơ sở thiếu sâu sát... dẫn tới việc xử lý các tình huống phát sinh có việc hiệu quả chưa cao.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo, trước hết cần sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác tôn giáo; phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý Nhà nước của chính quyền và phát huy vai trò vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Phải nhận thức sâu sắc rằng, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, thông qua đó giúp đồng bào các tôn giáo phát huy ưu điểm, gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc; tranh thủ vai trò, uy tín của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng, đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân nói chung, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, nhất là các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với tôn giáo. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành...

Bên cạnh việc nghiên cứu, học tập quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo, cán bộ làm công tác tôn giáo cũng cần tìm hiểu, nắm được giáo lý, giáo luật của các tôn giáo; từ đó, lý giải, hướng dẫn cho nhân dân những điểm tương đồng giữa giáo lý tôn giáo với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng khó khăn, biên giới, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc trao đổi, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo điều kiện để đồng bào tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật; kịp thời giải quyết những đơn thư, kiến nghị chính đáng của nhân dân, xử lý những vấn đề phát sinh tại cơ sở, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.

Nguyễn Trường Giang
Bình luận
Back To Top