Kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2017)

Tuyên ngôn Độc lập - Quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc

08:35 - Thứ Năm, 31/08/2017 Lượt xem: 8613 In bài viết
ĐBP - Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập có nội dung rất sâu sắc, giọng văn hào sảng, thể hiện vị thế của một dân tộc vừa giành được độc lập, đồng thời phản ánh ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết bảo vệ độc lập, tự do.

Sau khi vạch trần tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, cùng với tổng kết thực tiễn đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Từ sự lập luận nhất quán và sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 

Toàn cảnh lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2015) tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí mạnh mẽ và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta, quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được, thể hiện lập trường kiên định về độc lập, tự do của dân tộc, phản ánh niềm tin vững chắc vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam, dù phải hy sinh gian khổ, song quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập. Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện rõ tầm nhìn sâu rộng, khả năng dự liệu thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những khó khăn, thách thức ở phía trước đe dọa nền độc lập của dân tộc. Người không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống bất khuất của dân tộc, khích lệ lòng tự hào dân tộc, khẳng định ý chí, quyết tâm của nhân dân ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục được thể hiện sinh động trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp bất ngờ nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng đánh chiếm Nam Bộ, hòng cướp nước ta một lần nữa. Nhân dân ta đã tỏ rõ ý chí, quyết tâm “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Đồng bào Nam Bộ nhất tề đứng lên đánh địch, bảo vệ chính quyền non trẻ. Nhân dân cả nước cùng hướng về Nam Bộ với lòng căm thù sâu sắc quân xâm lược và ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất xâm lược của thực dân Pháp và khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển được của cả dân tộc, quyết đứng lên chống quân xâm lược, giữ vững nền độc lập tự do: “... Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để giữ vững nền độc lập dân tộc mới giành được, nhân dân ta đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, chuyển hóa sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất để chiến thắng quân thù.

Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngang nhiên phá hoại, trắng trợn vi phạm với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền tay sai, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, đưa quân viễn chinh vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Nhân dân ta một lần nữa lại buộc phải đứng lên chống quân xâm lược Mỹ và tay sai, bảo vệ vững chắc miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, thể hiện ý chí sắt đá, quyết tâm kháng chiến đến cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Lời của Người vang vọng núi sông, có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” phản ánh ý chí, quyết tâm sắt đá, trở thành phương châm hành động của mọi người dân Việt Nam yêu nước. Tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống thực dân Pháp tiếp tục được phát huy cao độ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập có giá trị sâu sắc, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hiện nay. Sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập là nền tảng soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng đến tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong thời đại ngày nay, mỗi dân tộc, mỗi con người đều có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Độc lập dân tộc gắn liền với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, gắn liền với quyền tự quyết dân tộc, quyền được lựa chọn con đường phát triển, không phụ thuộc vào bên ngoài. “Tự do” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là tự do theo lý tưởng xây dựng một xã hội mới - xã hội Xã hội Chủ nghĩa. Độc lập là tiền đề của tự do, bởi “nếu nước được độc lập, người dân mới được tự do, nếu mất nước, ai cũng làm nô lệ”; tự do là mục tiêu và cũng là kết quả của độc lập. Đó là những giá trị cao quý, thiêng liêng nhất, không một thế lực nào có thể xâm phạm. Độc lập của dân tộc gắn liền với quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên định: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu bảo vệ Tổ quốc với mục tiêu rộng hơn, mới hơn; chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc.r

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Quang Phát

Phó chính ủy Học viện Chính trị (QĐNDVN)

Bình luận
Back To Top