BOT "nóng" phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải

10:10 - Thứ Hai, 04/06/2018 Lượt xem: 9384 In bài viết
Sáng nay 4-6, Quốc hội họp phiên chất vấn các thành viên Chính phủ đầu tiên. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Mật độ BOT dày đặc gây ảnh hưởng đời sống nhân dân

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn: Đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Định là đoạn đường quan trọng trên trục bắc năm hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều đoạn đường đã xuống cấp. Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai sửa chữa những đoạn đường xấu như thế nào?

 

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu trước khi trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi hoàn thành, đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Định trải qua thời tiết khắc nghiệt, năm 2016-2017 bão lũ nhiều, lớn, sau bão nước ngập tràn qua đường dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số hiện tượng xe chở quá khổ quá tải cũng chưa được xử lý nên đoạn đường này hư hỏng nặng. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan duy tu sửa chữa để có mặt đường tốt nhất. Việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên mặt đường chưa đạt yêu cầu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh về đoạn đường qua địa bàn tỉnh Bình Định dài 200km có đến ba trạm thu phí BOT thì có nhiều quá không, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết trong quá trình triển khai Bộ đã bám sát quy định trong cũng một quốc lộ cự ly trạm BOT phải bảo đảm 70km, còn dưới 70km thì phải có ý kiến của chính quyền địa phương và Bộ Tài chính.

“Chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng tôi cũng thừa nhận mật độ các trạm BOT khá dày đặc, trong khi đời sống ng dân còn khó khăn, làm tăng giá thành vận tải”, Bộ trưởng nói.

BOT - chủ trương đúng nhưng còn nhiều bất cập

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề BOT khi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ tại sao lại có sự chênh lệch số chênh lệnh năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT và việc thu phí BOT trên đường mở rộng, cải tạo sẽ khắc phục thế nào?

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhưng còn nhiều bất cập. Việc khai thác các dự án BOT được dự luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ Giao thông vận tải cùng nhiều bộ ngành tiếp thu và rà soát. “Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới. Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm”. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói luôn rằng việc đổi tên trạm BOT không cần phải nghiên cứu và trình vì rất mất thời gian. “Tên trước đây như thế nào thì đề nghị cứ gọi như vậy” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Về chênh lệch chi phí đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng; trước khi quyết toán Bộ Giao thông vận tải đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để bảo đảm quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn: “Nhà dân được cấp phép xây dựng tuy nhiên cốt đường sau khi sửa chữa cao hơn nền nhà khiến người dân bỏ tiền sửa chữa. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết tình trạng này?”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, luật pháp có quy định cốt, nền dự án giao thông ở đô thị, Bộ căn cứ vào đó để khống chế cốt tuyến đường. Tuy nhiên khu vực ngoài đô thị không quy định nên trong thời gian vừa qua có hiện tượng trên.

Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm của Bộ và trách nhiệm địa phương và cho biết về lâu dài Bộ sẽ tiến hành thực hiện giải pháp cào bóc mặt đường cũ, sau đó tiến hành thảm mới để không nâng cốt quá cao.

“Bộ Giao thông Vận tải hiện có mâu thuẫn về vốn, nếu cào đường làm lại thì chi phí rất cao, nguồn vốn xã hội hóa không cho phép. Chúng tôi dùng giải pháp vuốt nối mặt đường để người dân đi lại êm thuận” – Bộ trưởng nói. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương góp ý, trong quy hoạch đường hiện nay chỉ cắm ranh giới của chiều rộng mà quên k cắm ranh giới của chiều cao, cần phải rút kinh nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: “Ngày 1-12-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã có phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng, ngày 27-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị đẩy mạnh trạm BOT không dừng, vậy quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào, bao giờ mới hoàn thành việc thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT trong cả nước nhằm minh bạch hóa các trạm BOT”. Đại biểu cũng đề cập đến việc xây dựng đường sá để phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Tây Bắc.

Về tiến độ thu phí không dừng, toàn bộ các trạm BOT sẽ phải hoàn thành thu phí tự động vào cuối năm 2019. Đây là giải pháp công khai minh bạch, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Về phát triển giao thông Tây Bắc, Bộ rất hiểu tình hình khó khăn của vùng này, Bộ trưởng cũng đã đi thực tế và tham mưu cho Chính phủ thực hiện các dự án, tuy nhiên do điều kiện ngân sách hạn chế, nên nhiều công trình, dự án chưa có điều kiện bố trí vốn. Bộ sẽ tiếp tục khảo sát thực tế để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội: Dùng tên "trạm thu phí" là đúng bản chất

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói, tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi "trạm thu giá" để trình Chính phủ. Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ Giao thông vận tải cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí, vì tên gọi này đã đúng bản chất".

 

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thị Thanh Hải.

Mở đầu phiên họp sáng nay, sau phát biểu ngắn gọn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất gồm: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh -chuyển giao (BOT).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời phần chất vấn này.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng trả lời những chất vấn thuộc phần trách nhiệm của mình. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn khi có vấn đề liên quan gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

Chiều nay, từ 14 đến 15 giờ 10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất. Kết thúc nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu.

Tiếp đó, từ 15 giờ 10 đến 17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 gồm: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời phần chất vấn này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm của mình. Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Tài chính, Xây dựng, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top