Nghị quyết số 05

Ðưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững

09:50 - Thứ Hai, 23/07/2018 Lượt xem: 10157 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh thuần nông với hơn 80% dân số làm nông nghiệp, Ðiện Biên luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc nhằm góp phần đắc lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển. Nghị quyết số 05 - NQ/TU, ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 05) là chủ trương đúng đắn với quan điểm chủ đạo là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế, mở rộng mô hình liên kết “4 nhà”...

Bài 1: Nghị quyết căn cơ

Xuất phát điểm về kinh tế thấp, trình độ, tập quán sản xuất lạc hậu; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp... là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nền nông nghiệp dù có bước phát triển nhưng chưa xứng tiềm năng, chưa khai thác được thế mạnh từng vùng, từng địa phương. Ði sâu phân tích và thẳng thắn nhìn rõ thực trạng, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng bộ tỉnh và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng để tập trung xây dựng Nghị quyết số 05...

 

Ðoàn viên thanh niên trao đổi kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Căn cứ Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng Ðề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Ðề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp) để tổ chức triển khai thực hiện, với mục tiêu phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong lĩnh vực trồng trọt đó là chú trọng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế (lúa gạo, ngô, cao su, cà phê… ); áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông, lâm nghiệp. Tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, nhịp độ tăng trưởng bình quân giá trị sản phẩm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp đạt 3,67%/năm; trong lĩnh vực trồng trọt diện tích gieo trồng cây lương thực 79.922ha; tổng sản lượng lương thực đạt 260.000 tấn. Tập trung chăm sóc diện tích cây cao su, cà phê, chè hiện có. Mở rộng diện tích cây cà phê khi có điều kiện, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có 4.900ha cà phê, sản lượng cà phê nhân đạt 10.708 tấn; 605ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt 150 tấn... Ðịnh hướng đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp tăng bình quân 4%/năm; diện tích gieo trồng cây lương thực 92.000ha; tổng sản lượng lương thực đạt 280.000 tấn; phát triển cây chè, cà phê, cao su theo quy hoạch...

Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Là tỉnh thuần nông nên trước đây khá nhiều các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành. Và Nghị quyết số 07 - NQ/TU ngày 23/3/2012, của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2015 là một ví dụ. Căn cứ vào đó, cấp ủy, tổ chức Ðảng, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Và Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh được thực hiện trên cơ sở kế thừa những thành tựu, khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm đưa ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững. Căn cứ nghị quyết, Ðề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai nghiêm túc từng nội dung tới đảng viên, cán bộ công chức, viên chức trong toàn ngành. Ðể cụ thể hóa nghị quyết, Ðảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng, ban hành nghị quyết làm cơ sở để chỉ đạo triển khai đến các chi bộ. Quá trình thực hiện, Sở tích cực chỉ đạo, đôn đốc thực hiện từng nội dung, mục tiêu, kế hoạch. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp được UBND tỉnh giao và các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý của ngành. Thực hiện giao ban lãnh đạo, giao ban các phòng, đơn vị trong ngành nhằm nắm bắt các hoạt động sản xuất, kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Khẳng định chủ trương đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết cụ thể hóa bằng nội dung của Ðề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện với các giải pháp cụ thể, sát điều kiện thực tế của địa phương: Ban hành các kế hoạch, chỉ thị, văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện; đồng thời phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, định hướng tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình sản xuất trong nông nghiệp; đề ra các giải pháp để cán bộ, nhân dân hiểu rõ từ đó đồng thuận khi tham gia thực hiện. Vì thế sau 2 năm thực hiện, cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp trong tỉnh và người dân đã hiểu được ý nghĩa, lợi ích của nghị quyết, mục tiêu của Ðề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp nên tích cực tham gia. Từ đó góp phần quan trọng đưa cơ cấu ngành Nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên, thu hút thêm được các nguồn lực, nhất là một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bài 2: “Ðiểm sáng” bức tranh nông nghiệp

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top