Vững bước dưới cờ Ðảng

08:20 - Thứ Năm, 16/08/2018 Lượt xem: 10231 In bài viết
ĐBP - Cách đây 73 năm, tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã làm cách mạng thắng lợi. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Khí thế cách mạng chung của cả nước cùng với thông tin tỉnh Sơn La giành được chính quyền ngày 26/8/1945 đã lan truyền tới Lai Châu, đánh thức tinh thần cách mạng ở miền đất xa xôi, hẻo lánh phía Tây Bắc của Tổ quốc.

 

Thành phố Ðiện Biên Phủ ngày một đổi thay. Ảnh: Văn Thành Chương

“Sau một thời gian tập hợp, chuẩn bị, đúng 19 giờ ngày 17/10/1945, tại châu Quỳnh Nhai, lực lượng khởi nghĩa do các ông Ðiêu Chính Liêm, Ðiêu Chính Sún, Ðiêu Chính Thủy, Ðiêu Chính Dinh chỉ huy đã tấn công trại lính cơ, bắt sống tri châu Ðèo Văn Túm, thu toàn bộ vũ khí... 8 giờ sáng 18/10/1945, một cuộc mít tinh đã diễn ra trước sân nhà tri châu Quỳnh Nhai. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, ông Ðiêu Chính Chân thay mặt lực lượng khởi nghĩa đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và công bố danh sách Ủy ban lâm thời của châu do ông Chân làm Chủ tịch.” - (Theo Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Lai Châu, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1999). Ngay sau buổi mít tinh, Ủy ban lâm thời đã họp thông qua kế hoạch củng cố lực lượng phòng thủ, bảo vệ chính quyền; tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối của cách mạng cho nhân dân; cử người báo cáo kết quả khởi nghĩa với cấp trên; vận động nhân dân đóng góp lương thực nuôi quân... Như vậy, châu Quỳnh Nhai (thuộc tỉnh Lai Châu từ 1945 - 1954; từ 1955 - 1962 thuộc Khu tự trị Thái - Mèo; từ 1963 đến nay thuộc tỉnh Sơn La) là châu đầu tiên và duy nhất của tỉnh Lai Châu giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Các châu: Ðiện Biên, Tuần Giáo không giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám do chưa có cơ sở cách mạng, chưa có một tổ chức Ðảng để lãnh đạo nhân dân các dân tộc tạo thành sức mạnh tổng hợp chớp thời cơ giành chính quyền. Song, việc giành chính quyền ở Quỳnh Nhai có ý nghĩa khẳng định rằng ở Lai Châu có Cách mạng Tháng Tám, góp phần giác ngộ tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược sau này, đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Lai Châu (nay là 2 tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu) đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, huy động được 568.139 ngày công phục vụ; toàn tỉnh có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tiếp tục gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Sau khi chia tách thành 2 tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu (theo Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 Quốc hội khóa XI), Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã đoàn kết vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng nền móng vững chắc trên con đường phát triển. Kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định, GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 11,6%/năm; giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 5,93%/năm; năm 2017 đạt 7,09%, GRDP bình quân đầu người đạt 24,15 triệu đồng. Từ chỗ thiếu lương thực, phải nhờ trợ cấp của Trung ương, đến nay ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã phát triển toàn diện và khá vững chắc. Nông dân vùng lòng chảo Mường Thanh và một số khu vực vùng thấp tại các huyện, thị xã có trình độ thâm canh cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2017, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 257.971 tấn. Hiện nay, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi, với những vùng thâm canh sản phẩm theo hướng hàng hóa như: Lúa gạo, rau an toàn, chè, cà phê...

Ngành công nghiệp tuy chưa chiếm tỷ trọng cao nhưng đang có bước phát triển, nhất là công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện dần đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hoạt động dịch vụ, xuất nhập khẩu có bước phát triển mạnh mẽ. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, tỉnh ta đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển một số vùng kinh tế trọng điểm, như: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 279, vùng kinh tế sinh thái sông Ðà, vùng kinh tế Mường Chà - Mường Nhé. Ðến nay, đã rà soát, lập điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái Mường Phăng huyện Ðiện Biên; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm hiện hữu thành phố Ðiện Biên Phủ... Ngày 24/10/2017, UBND tỉnh đã phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức Lễ công bố điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Ðiện Biên. Việc nâng cấp sân bay sẽ khai thác tiềm năng du lịch, đặc biệt là quần thể di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ; gắn kết Ðiện Biên với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương có bước phát triển đột phá. Một dấu mốc đặc biệt không thể không nhắc tới là năm 2016, trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công, cùng những khó khăn đặc thù của khu vực miền núi song lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ đồng. Với sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành dự toán ngân sách của UBND tỉnh, thành tích đó tiếp tục được duy trì trong năm 2017.

Hơn 7 thập kỷ kể từ những ngày Tháng Tám vĩ đại, hòa chung khí thế cả nước tưng bừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đang ra sức thi đua lập thành tích xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ mới. Những tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt những kết quả khả quan: GRDP ước đạt 5.334,56 tỷ đồng, tăng 6,28%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp tăng 2,94%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,23%; dịch vụ tăng 7,81%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm, thủy sản giảm 1,33%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,01%; dịch vụ tăng 1,33%. Kết quả đó là môi trường thuận lợi để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc khóa XII, Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh khóa XIII.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top