Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Sơn làm việc với Sở Công thương

17:27 - Thứ Năm, 18/10/2018 Lượt xem: 12143 In bài viết

ĐBP - Ngày 18/10, đồng chí Trần Văn Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở Công thương về kết quả hoạt động công thương trên địa bàn từ đầu năm đến nay và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa kỳ kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Công thương, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng qua đạt 2.002,29 tỷ đồng (tăng 9,13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 70,75% so với kế hoạch năm). Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ ước đạt 85,58 tỷ đồng (tăng 3,75%, đạt 65,83% kế hoạch); công nghiệp chế biến ước đạt 1.557,87 tỷ đồng (tăng 6,74%, đạt 68,93% kế hoạch); công nghiệp sản xuất điện dự kiến đạt 327,2 tỷ đồng (tăng 24,52, đạt 83,9% kế hoạch năm); cung cấp nước, xử lý rác thải dự kiến đạt 31,64 tỷ đồng (tăng 5,18%, đạt 63,28% kế hoạch). Sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu và thương mại biên giới có mức tăng trưởng khá: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên thị trường ước đạt 8.198 tỷ đồng (tăng 20,67%, đạt 73,86% kế hoạch); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ ước đạt 46,88 triệu USD (tăng 34,37%, đạt 69,97% kế hoạch). Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và thương mại điện tử được quan tâm thực hiện. 9 tháng qua, các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện kiểm tra 1.905 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 636 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 523,075 triệu đồng; buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm trị giá 96,287 triệu đồng.

Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành Công thương giai đoạn 2016 – 2018 đã đạt  một số kết quả: Giá trị sản xuất công thương cộng dồn đến hết năm 2018 ước đạt 7.521,1 tỷ đồng (đạt 40,68% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020). Trong đó, công nghiệp khai thác khoáng sản có chỉ số tăng cao nhất, dự ước đạt 374,29 tỷ đồng (đạt 56,84%); công nghiệp chế biến đạt thấp nhất, dự ước 6.007,67 tỷ đồng (đạt 39,41%); tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 – 2018 ước đạt 28.969,84 tỷ đồng (đạt 50,93%); hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới đạt 168,46 triệu USD (đạt 48,13%). Bên cạnh một số kết quả tích cực, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại thực hiện từ năm 2016 – 2018 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (đạt 36,2% so với kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020). Nguyên nhân chủ yếu là: Các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng; nhà đầu tư trên các lĩnh vực chế biến gỗ, chăn nuôi gia súc, chế biến gạo năng lực hạn chế; tỉnh chưa huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; các doanh nghiệp địa phương tham gia hoạt động xuất nhập khẩu còn hạn chế…

Sở Công thương kiến nghị với tỉnh và các bộ, ngành Trung ương tăng vốn đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt; tập trung đầu tư hạ tầng các chợ nông thôn…

Trao đổi tại buổi làm việc, ý kiến đại biểu tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động công thương trên địa bàn như: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đối với hoạt động công thương; giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng công thương; kêu gọi thu hút đầu đầu tư vào công nghiệp sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Công thương…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Sơn biểu dương những kết quả ngành Công thương đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp khai thác mỏ, hỗ trợ doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo trong thời gian tới, ngành Công thương phối hợp cùng các cơ quan chức năng chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch các điểm phát triển công thương trên địa bàn. Đặc biệt là các chợ, trung tâm thương mại để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân và phát triển du lịch; lựa chọn địa điểm, hình thành 1 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; lựa chọn địa điểm hình thành chợ biên giới. Sở Công thương cần chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nghiên cứu phát triển điện năng từ gió và năng lượng mặt trời. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính. Đối với những nhà đầu tư yếu kém, chây ỳ cần tham mưu cho tỉnh thu lại dự án, trao quyền đầu tư cho nhà đầu tư khác. Đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển thuỷ điện, lưới điện nông thôn, Sở cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện các khâu đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương đầu tư xây dựng đường điện 220KV từ Sơn La lên Điện Biên. Sở Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. 

Tin, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top