Đạt và vượt nhiều mục tiêu quốc gia

09:23 - Thứ Ba, 23/10/2018 Lượt xem: 10461 In bài viết

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt một số mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là một trong những nội dung chính trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội chiều 22/10.

Theo đó, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là khoảng 820.964 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 24.167 tỷ  đồng.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đã huy động hơn 23.344 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương là hơn 21.597 , tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các cuộc vận động hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân để thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6/2018, đã huy động xã hội được khoảng 16.735 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội và giảm nghèo; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã vận động hơn 11.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài…; các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ nguồn vốn ODA với tổng mức vốn khoảng 3.820 tỷ đồng.

Vượt mục tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018

Về kết quả cụ thể, cả nước có 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn), tăng 2.010 xã (22,5%) so với cuối năm 2015.

Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 1,37 tiêu chí so với cuối năm 2015; còn 80 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 246 xã so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2018 còn dưới 60 xã, hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2018.

Đến nay đã có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015, hoàn thành và vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cuối năm nay, tỉ lệ hộ nghèo dưới 6%

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2015-2017, tỉ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1-1,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao.

Ước đến cuối năm 2018, tỉ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỉ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỉ lệ hộ nghèo chung.

Báo cáo của Chính phủ cho rằng, hệ thống khung pháp lý quản lý, điều hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh đến nay cơ bản được hoàn thành, là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Công tác huy động nguồn lực đã được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện chương trình. Hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy hiệu quả trong việc đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương; đồng thời đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ khâu lập kế hoạch, đến khâu tổ chức thực hiện và xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, giám sát, đánh giá các chương trình.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn những tồn tại, hạn chế tác động đến tiến độ thực hiện các chương trình.

Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, chênh lệch giàu-nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Một số văn bản quy phạm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của từng chương trình chậm được ban hành đã dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong triển khai phân bổ, giao kế hoạch vốn và tổ chức thực hiện ở các địa phương. Tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quản lý, điều hành ở địa phương tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn chậm.

Công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã  đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn lúng túng và chậm so với thời gian quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Một số chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao.

Công tác tổ chức tuyên truyền chưa có sự kết hợp tốt giữa trung ương và địa phương trong việc khai thác, sử dụng các sản phẩm truyền thông có cùng chủ  đề nội dung, phù hợp với yêu cầu của công tác tuyên truyền; còn nhiều hạn chế về nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng thụ hưởng do đó hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành. Công tác báo cáo kết quả phân bổ và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương chưa được đầy đủ, thông tin còn thiếu.

Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế nhất là trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ này ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đúng mức.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top