Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Sín Chải – Gửi tình yêu vào Đảng

09:22 - Thứ Sáu, 26/10/2018 Lượt xem: 11640 In bài viết

ĐBP - Ðến Sín Chải (huyện Tủa Chùa) hôm nay, thay vào màu nhựa xám xịt như mồ hôi của đá là những rừng chè Tuyết Shan cổ thụ, những nương ngô xanh mướt. Ðó chính là kết quả từ giác ngộ cách mạng, đi theo Ðảng của đồng bào dân tộc Mông. Tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân đã tạo nên sức mạnh tập thể để cùng phát triển. Và điều đặc biệt ở Sín Chải là qua các thế hệ luôn có những người con ưu tú dẫn dắt người dân phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên xóa đói, giảm nghèo...

Bài 1: Người lấy lại niềm tin theo Ðảng

Trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ về cây thuốc phiện và tác hại của thuốc phiện nên có thời gian, ở nhiều vùng cao trong tỉnh có phong trào trồng cây thuốc phiện trong đó có Sín Chải. Cả xã trồng thuốc phiện, thuốc phiện mọc đến tận bậc cửa UBND xã, nhiều đến nỗi, dân vào làm việc, bỏ mũ trên đám cây thuốc phiện mà không rơi xuống đất. Trồng và hút nên nhà nào cũng có người nghiện. Ðùng một cái, cấp trên vận động phá nhổ cây thuốc phiện. Cho rằng “Thuốc phiện không thể là áo cơm, không thể no ấm...”

 

Ông Mùa A Sấu - người lĩnh ấn tiên phong vận động người dân phá nhổ cây thuốc phiện. Ảnh: Văn Thành Chương

Tin được không? Anh cán bộ mù tiếng phổ thông

Những người già hồi tưởng, cái anh cán bộ “thét ra lửa” hồi triệt phá thuốc phiện chính là Mùa A Sấu của bản. Năm 1949, khi Ðảng bộ Lai Châu mới thành lập, 16 tuổi Mùa A Sấu đã tham gia lực lượng du kích Sín Chải. Vì nhiệm vụ chủ yếu là đưa đường cho cán bộ và theo dõi địch nên nhu cầu biết tiếng phổ thông của anh là... không cần. Do đó, khi Ðảng bộ huyện Tủa Chùa thành lập (năm 1954) Mùa A Sấu là Ủy viên Ủy ban Hành chính xã, họp hành mù tịt, mới quyết tâm đi học xóa mù.

Theo người già Sín Chải, ông Sấu thông minh hơn người. Khi gần như 100% người dân xã Sín Chải mù chữ thì ông Sấu đã đọc thông viết thạo. Thế nên lần lượt ông được cất nhắc qua các chức vụ: Trưởng ban Cán sự châu, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa (khóa II, III, IV); Phó Chủ tịch UBND tỉnh rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh... 

Người già Sín Chải nhớ là, quãng năm 1973, 1974 cán bộ đến từng hộ dân vận động trồng cây thuốc phiện, thu nhựa và hạt bán cho ngoại thương, xuất khẩu. Vì cán bộ biết, canh tác thuốc phiện vốn là thế mạnh truyền đời của người Mông Sín Chải. Ðứng trước cơ hội “có đồng tiền mặt”, thay đổi hoàn toàn lối canh tác ngô, khoai, sắn, đến ăn còn chả đủ no. Cho nên, ngay năm sau, cao nguyên đá Sín Chải đã gần như được phủ kín màu xanh anh túc.

Cuộc sống người dân phất lên nhanh chóng, nhà cửa khang trang, trâu bò sinh sôi, vừa làm sức kéo vỡ đất trồng thuốc phiện, vừa để giết mổ linh đình đám xá. Nói như ngôn ngữ bây giờ, Sín Chải lúc ấy thật nhanh và thật nguy hiểm. Người ta thồ thuốc phiện bằng ngựa và thu tiền về cũng bằng... ngựa. Cảnh vai gánh, chân trần xưa rồi, chả ai còn nhớ nữa. Làm thuốc phiện vừa dễ, vừa nhàn. Bản xã xưa kia vốn thỉnh thoảng có người chết vì sốt rét, lỵ, tả, ruột thừa... thì từ khi có thuốc phiện những bệnh tình trên đã có thuốc chữa. Thời gian dư dả, người ta ngả bàn đèn. Lúc khẩn trương thì chỉ cần véo một mẩu nhựa anh túc, hơ nhếu nháo lên đèn mỡ trâu, rồi thả tọt vào miệng. Chả mấy chốc, Sín Chải đếm vội cũng có hàng trăm con nghiện! Thuốc phiện thay cơm, thuốc phiện là.. đầu câu chuyện. Thậm chí nhà có đám ma người ta còn ngả bàn đèn thết đãi khách bằng thuốc phiện!

Triệt thuốc phiện - “Nhiệm vụ bất khả thi”

Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tình hình chính trị, kinh tế đất nước đã có nhiều khởi sắc. Nhà nước nhận thấy phải nhanh chóng loại bỏ hệ lụy từ cây thuốc phiện, và Lai Châu lúc bấy giờ một lần nữa tín nhiệm ông Mùa A Sấu để lĩnh ấn tiên phong vận động dân phá nhổ cây thuốc phiện. Năm 1983, ông Sấu chọn quê hương mình - Sín Chải, Tủa Chùa - làm nơi ra “đòn tấn công” cây thuốc phiện đầu tiên.

Ðể tận tai nghe chuyện từ chính người “lĩnh ấn”, chúng tôi đã lần về Sín Chải (cách thành phố Ðiện Biên Phủ 180km) mới gặp được ông. Ở tuổi ngoài 80, đôi chân ông đã ngập ngừng trước rừng đá tai mèo sắc nhọn. Khi chúng tôi gợi chuyện ông đi tuyên truyền phá cây thuốc phiện, cai nghiện cho dân, ông rầu rầu kể: Giá như ông cứ làm cán bộ trên tỉnh cho đến khi nghỉ hưu thì khi về quê ông được người dân trong xã hết mực tin yêu, kính trọng. Nhưng khi ông nhận nhiệm vụ “phá cây thuốc phiện không để một hạt rơi xuống đất” theo Nghị quyết 03 của tỉnh Lai Châu (cũ), thì ông trở thành “kẻ thù” của người dân. Ngày đó, người ta chửi ông, rủa ông. Họ cúng Giàng cho ông chết. Ông không chết họ dọa ám sát ông bằng tên độc, súng kíp và dao quắm... Nhưng may mà vẫn còn dòng họ, bạn bè, người thân bảo vệ ông, can ngăn những đối tượng quá khích.

Ở vùng đất giải phóng chưa lâu, ổn định chưa lâu và cũng chưa thật giác ngộ; ông Sấu phải bắt đầu từ việc vận động người nhà, bạn bè thân quen, rồi đến cán bộ trong xã tiên phong phá nhổ và không trồng cây thuốc phiện. Với sáng kiến “chồng làm chồng phá, vợ làm vợ phá, con làm con phá”... bước đầu tránh được xung đột, bất mãn trong các gia đình, mặc dù còn chồng chất nghi kỵ. Bố ông thương con phá mảnh nương thuốc phiện bố trồng. Rồi mẹ ông, anh em nhà ông, họ hàng ông lần lượt tin nghe ông, phá bỏ thuốc phiện để trở về với canh tác truyền thống hạt lúa, cây ngô. Cảnh đói ăn, thiếu tiền, vật dụng, quần áo... lại ập về, ngổn ngang trăm mối. Nhưng rồi trước sự kiên trì và quyết liệt của ông, anh trai ông là Mùa A Di không những nhổ bỏ cây thuốc phiện mà còn cai nghiện thành công.

Cai nghiện xong cho người nhà, ông tìm đến cán bộ xã. Với ông, kỷ niệm vận động Xã đội trưởng Hoàng A Tính nhổ và cai thuốc phiện là căng thẳng nhất. Ông Tính là cán bộ và bản tính ngang tàng với lý người Mông nên vô cùng cam go. Ông Sấu xác định ông Tính là “vua nghiện”, phế được “vua” ắt công cuộc giải trừ ma túy ở quê hương ông sẽ xuôi thuận. Mất rất nhiều thời gian mà ông Tính cương quyết không nghe. Ông Sấu chỉ còn cách bám ông Tính cả khi ở nhiệm sở lẫn về nhà, trên nương, bên cỗ bàn đèn... Lúc tâm tình, khi giáo huấn, mệnh lệnh, rồi lại quay về phân tích, khích lệ... Ðến một ngày ông Tính mệt mỏi quát vào mặt ông Sấu: Nếu các anh muốn phá nương thuốc phiện nhà tôi thì cho tôi xin một viên đạn!

Ông Sấu vẫn bền bỉ, theo đúng lý người Mông: Người dân đã đồng ý và hiểu lẽ phải để làm theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước, anh là cán bộ anh không thể không làm. Nếu anh quyết xin 1 viên đạn tôi sẽ cho anh 4 viên (1 viên cho vợ cả, 1 viên cho vợ hai, 1 viên cho con trai anh và 1 viên cho anh)... Gia đình anh chết, tôi sẽ vận động bà con làm ma cho. Còn nếu anh nghe theo tôi, phá bỏ cây thuốc phiện và cai nghiện thuốc phiện, nếu anh mà chết, tôi nguyện làm con cả của anh và đứng ra mổ bò, mổ trâu để làm ma cho anh... Ông Hoàng A Tính đuối lý, 2 vợ chồng ông đã đi cai nghiện ở bệnh viện thành công và sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND xã. 

Không lâu sau đó, xã Sín Chải nói riêng và huyện Tủa Chùa nói chung đã cơ bản phá nhổ được cây thuốc phiện. Phần lớn người nghiện thuốc phiện đã được cai thành công. Ông Mùa A Sấu tiếp tục đem những kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình đi giúp người dân ở huyện Sìn Hồ và các địa phương trong tỉnh. Tiếng lành đồn xa nên ông được mời về tỉnh Sơn La để chia sẻ và phổ biến kinh nghiệm.

Cả cuộc đời đi theo Ðảng, là người trực tiếp lấy lại niềm tin của Ðảng trước quần chúng nhân dân, và nhiều đóng góp to lớn khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh miền núi nhiều khó khăn; ông Mùa A Sấu đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngoài những thành công trong sự nghiệp, ông Mùa A Sấu còn là tấm gương sáng trong cuộc vận động “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Hiện nay, con cháu ông rất nhiều người thành đạt, trong số đó có nhiều người đang giữ những trọng trách của tỉnh.

Bài 2: “cán bộ phải là con nhân dân”

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top