Sau 15 năm chia tách tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu

Cảm xúc không phôi phai

10:10 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 11516 In bài viết

ĐBP - Năm 2004, thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách địa giới hành chính, tỉnh Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu. Ðể phục vụ nhiệm vụ chính trị, hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức đã rời TP. Ðiện Biên Phủ lên xây dựng quê hương mới. Thấm thoắt cũng đã 15 năm kể từ ngày những cán bộ của tỉnh Lai Châu (cũ) bồi hồi trong khoảnh khắc người ở, người đi với nhiều cảm xúc đan xen… 

Trong phút giải lao giữa những giờ làm việc căng thẳng, chúng tôi thường được nghe các anh chị đồng nghiệp đi trước kể về cái thời “lang bạt” khắp đất Mường Tè cùng các chiến sĩ biên phòng hay lặn lội lên tận Kẻng Mỏ - nơi con sông Ðà chảy vào đất Việt để thu thập tư liệu cho bài viết. Nhưng kể từ khi lấy dòng Ðà giang làm mốc giới tự nhiên phân chia 2 tỉnh thì nhiệm vụ khó khăn ấy được “nhường” lại cho các đồng nghiệp Báo Lai Châu (mới) đảm trách. Nói là mới nhưng cũng đều là cán bộ, phóng viên, biên tập viên cốt cán của Báo Ðiện Biên Phủ ngày ấy điều chuyển lên nhận công tác. Không chỉ cơ quan báo chí, mà tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể cũng đều có người ở lại, người vượt 200km lên thị trấn Tam Ðường (nay là TP. Lai Châu) làm nhiệm vụ khó khăn nhưng rất đỗi tự hào. Có những người tình nguyện đăng ký lên xây dựng quê hương mới, có những người lên theo sự phân công của tổ chức và có cả những người lưu luyến ở lại nhưng chẳng thể xa gia đình, người thân… Vào thời điểm bấy giờ, dù cho người đi hay ở cũng đều có những xúc cảm khác nhau. Nhớ lại những tháng ngày ấy, ông Trần Thái Hòa, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh) chia sẻ: Ngày ấy tôi còn công tác bên Ðoàn Nghệ thuật tỉnh. Khi có thông tin sắp chia tách, cơ quan cũng sẽ có người lên tỉnh mới, tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng dù có chia tách Ðiện Biên - Lai Châu thì đi đến đâu cũng gặp người quen, về đâu cũng là chốn thân thuộc với mình. Sau chia tách, ông cùng Ðoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng (nay là Ðoàn Nghệ thuật tỉnh) vẫn biểu diễn phục vụ khắp các nơi khó khăn của tỉnh Lai Châu. Những lần biểu diễn và tình cảm của người dân ở các bản Khổng Lào, Vàng Pheo… để lại trong ông nhiều xúc cảm cho đến tận bây giờ.

Cùng chung tâm trạng với ông Hòa, ông Trần Văn Thành, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh bồi hồi nhớ lại thời điểm 15 năm trước. Lúc bấy giờ ông còn là chuyên viên của Văn phòng HÐND, UBND tỉnh. Ðể đảm bảo nhiệm vụ chính trị, cơ quan ông có một số đồng nghiệp được điều chuyển lên nhận công tác mới tại tỉnh Lai Châu. Xa mặt nhưng chẳng cách lòng, dù ở Ðiện Biên nhưng ông vẫn dõi theo hoạt động của những người đồng nghiệp cũ… Họ nay đều giữ những vị trí quan trọng, có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của tỉnh Lai Châu. Mới đó mà đã 15 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, ông thầm chúc mừng những người đồng nghiệp năm nào đã vượt qua những khó khăn bước đầu để xây dựng tỉnh Lai Châu có những bước tiến vượt bậc như ngày hôm nay.

Không chỉ những người ở lại nặng lòng, những người gánh trên vai trọng trách nặng nề xây dựng và kiến thiết tỉnh Lai Châu mới cũng không tránh khỏi những phút giây xúc động. Bà Phạm Thị Thủy (hiện đang sinh sống tại phường Quyết Tiến, TP. Lai Châu) trước đây làm việc tại huyện Phong Thổ (cũ) nhưng gia đình, người thân của bà đều sinh sống và làm việc ở Ðiện Biên. Ngày chưa chia tách, dẫu cho đường sá khó khăn, một năm cũng có đôi lần được về tỉnh lỵ công tác. Ðó cũng là dịp bà được gặp những người thân trong gia đình để hỏi thăm, tâm sự nhiều điều… Nhưng dù thế nào Ðiện Biên - Lai Châu tuy chia tách làm hai nhưng vẫn chung lịch sử hình thành và phát triển, chỉ khác nhau một chút về cách gọi địa danh mà thôi. Do vậy, dù có công tác, sinh sống ở nơi nào cũng đều đang đóng góp sức mình vào kiến thiết mảnh đất nơi cực Tây Tổ quốc. Ðến nay, khi đã nghỉ chế độ hưu trí, bà Thủy và gia đình quyết định sinh sống tại TP. Lai Châu - nơi bà gắn bó không chỉ 15 năm mà gần như cả đời người… 

Trong bộn bề của những ngày cuối năm, chúng tôi chỉ kịp ghi chép lại đôi điều xúc cảm của một vài cá nhân, dẫu biết vẫn còn rất nhiều người muốn bộc bạch, sẻ chia. 15 năm đủ để những đứa trẻ trưởng thành, những hạt giống phát triển thành cây lớn. Nhưng 15 năm chưa đủ dài để phai đi những cảm xúc ngày chia xa của người đi, người ở năm nào. Chúng tôi tin rằng, dù ở hay đi những người cán bộ, công chức, viên chức năm nào cũng đều chung một mục đích: Xây dựng mảnh đất Ðiện Biên - Lai Châu ngày càng phồn vinh.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top