Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Những chuyển biến tích cực

15:29 - Thứ Tư, 30/01/2019 Lượt xem: 10969 In bài viết

Lò Văn Muôn

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Chuyển biến rõ nét nhất là các cấp ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; kỷ luật, kỷ cương, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tốt hơn.

 

Ðồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh (thứ 4 từ trái sang) trao đổi với cán bộ, nhân dân xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên).

Quá trình thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên gắn việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm năm 2017 gắn với thực hiện chuyên đề năm 2018 của Chỉ thị 05-CT/TW về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, khuyết điểm của mỗi đơn vị gắn với cam kết trách nhiệm, lộ trình khắc phục sửa chữa; từng cán bộ, đảng viên nhận diện những biểu hiện suy thoái, cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống. Ðồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Qua đó, vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu được coi trọng, thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả.

Với tinh thần nghiêm túc trong thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng xác định cụ thể nội dung cần làm, xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm, hạn chế; gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những vị trí, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm... Do đó, việc tổ chức kiểm điểm được thực hiện nghiêm túc, thực chất; sau kiểm điểm, tổ chức đảng, đảng viên xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế; cán bộ, đảng viên tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Năm 2017, qua kiểm điểm, đánh giá, phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cho thấy, số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt hơn 55% và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 15%; song, toàn tỉnh cũng còn 0,46% tổ chức đảng yếu kém và 0,56% đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phù hợp điều kiện, tình hình thực tế gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ và phân công tổ chức thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng việc đối thoại, tiếp nhận và xử lý những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, trong đó có phản ánh về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách; kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; bảo vệ người phản ánh, tố giác đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên. Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn. Qua kết quả khảo sát việc bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống. Ðó là sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, thiếu trách nhiệm, không dám nhận khuyết điểm, ngại va chạm, né tránh trong phê bình; biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản công, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, trật tự xây dựng.

Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; triển khai thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sửa đổi, ban hành các quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý;... Toàn tỉnh đã giảm 73 đơn vị cấp phòng, 81 cán bộ lãnh đạo, quản lý và tinh giản 878 biên chế; đồng thời chỉ đạo tạm dừng việc bổ nhiệm mới cán bộ cấp phó các đơn vị trực thuộc sở, ngành và cấp huyện... Yêu cầu các đơn vị, địa phương tự rà soát, kiểm tra việc thực hiện công tác cán bộ; qua đó phát hiện 311 trường hợp thời điểm bổ nhiệm chưa đảm bảo quy định về trình độ lý luận chính trị và đã không đồng ý bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 14 cán bộ diện ngành và cấp huyện quản lý. 

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, trọng tâm là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Năm 2018, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra và kết luận đối với 52 tổ chức đảng và 77 đảng viên; giám sát chuyên đề 22 tổ chức đảng và 12 đảng viên; giải quyết tố cáo đối với 5 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức đảng và 30 đảng viên; tiếp nhận và xử lý 77 đơn tố cáo, khiếu nại, kiến nghị. Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 85 đảng viên có sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần tích cực tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Ðảng.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ðảng cho thấy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Những kết quả đạt được thời gian qua thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Song để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thực sự đi vào cuộc sống cần tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện và kiên trì thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Trong đó, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng gắn với kiểm tra, giám sát chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; phát hiện và xử lý kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, gây mất đoàn kết trong nội bộ Ðảng.

Bình luận
Back To Top