Ðấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo

14:40 - Thứ Sáu, 05/04/2019 Lượt xem: 10551 In bài viết

ĐBP - Tỉnh ta có nhiều dân tộc cùng sinh sống, đời sống người dân vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch tìm mọi cách nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập “Nhà nước - Vương quốc” trong vùng dân tộc thiểu số. Ðể giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian qua đã tăng cường thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo bằng những chủ trương, biện pháp đồng bộ, thiết thực. Trên cơ sở đó, quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật và quy định của pháp luật Việt Nam. Ðồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu lợi dụng tôn giáo và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo thống kê, huyện Ðiện Biên Ðông có 9/37 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo đã được đăng ký công nhận. Những năm qua chính quyền địa phương đã thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo. Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở hướng dẫn các điểm, nhóm tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật Nhà nước. Năm 2018, huyện đã đấu tranh, kịp thời ngăn chặn các hoạt động của tổ chức “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, âm mưu lập “Vương quốc Mông”, ngăn chặn tà đạo “Giê Sùa”... Thường xuyên gặp mặt, hướng dẫn hoạt động của 37 điểm nhóm, 41 đối tượng cốt cán trong các hoạt động tôn giáo; phát hiện, lập biên bản và yêu cầu rời khỏi địa bàn 12 đối tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Ðồng chí Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðể đạt được kết quả trên đó là cả một quá trình theo dõi, nắm bắt và kiên trì tuyên truyền vận động. Muốn công tác tuyên truyền có hiệu quả, để các đối tượng nghe theo thì người tuyên truyền phải nắm được tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt phải hiểu được nguồn gốc, bản chất của tôn giáo. Từ đó phân tích, giải thích và định hướng cho các đối tượng đâu là tôn giáo đúng đắn, đâu là tà đạo. Ðiển hình, đầu năm 2018 khi xuất hiện “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, đối tượng Sủng A Thái, bản Pu Nhi B, xã Pu Nhi và 45 người dân đã theo và tuyên truyền trái phép về tà đạo này. Sau khi được giải thích, tuyên truyền vận động kịp thời, Sủng A Thái và 45 người dân từ bỏ “Hội thánh đức chúa trời mẹ”.

Thời gian qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra thuần túy, tuân thủ pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có 356 điểm nhóm tin lành, trong đó có 109 điểm nhóm đăng ký sinh hoạt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số đối tượng có hoạt động móc nối, liên lạc với các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, lợi dụng việc tuyên truyền tà đạo “Bà Cô Dợ”, “Giê Sùa” để thành lập “Nhà nước Mông”. Theo thống kê, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 177 hộ dân theo các tà đạo, chủ yếu trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà. Ngành chức năng, chính quyền địa phương đã kịp thời đấu tranh, răn đe, giáo dục, kiểm điểm đối với 16 đối tượng, chuyển hóa 16/27 bản và 4/14 xã khỏi ảnh hưởng của âm mưu thành lập “Nhà nước Mông”. Lập hồ sơ xử lý 13 đối tượng cầm đầu các điểm nhóm theo tà đạo “Giê Sùa”; triệu tập, đấu tranh 11 đối tượng tuyên truyền “Hội thánh đức chúa trời mẹ” và hoạt động tôn giáo trái phép khác gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn, xử lý hoạt động xây dựng cơ sở tôn giáo trái phép.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác; không tin, không nghe theo luận điệu sai trái của các loại tà đạo. Từ đó đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.  

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top