Trả lời kiến nghị cử tri

08:58 - Thứ Tư, 10/04/2019 Lượt xem: 11746 In bài viết

Cử tri xã Na Tông (huyện Ðiện Biên) kiến nghị: Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng như hiện nay không hiệu quả, gây lãng phí; người tham gia quản lý cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, vất vả; sau khi cai nghiện tại cộng đồng đối tượng vẫn tái nghiện. Ðề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ không quy định cai nghiện ma túy tại cộng đồng như hiện nay.

Trả lời:

Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 94/2010/NÐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Quy định này thể hiện trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay với Nhà nước và toàn xã hội tham gia vào công tác cai nghiện ma túy để người nghiện ma túy vẫn có thể sinh sống tại gia đình và hòa nhập cộng đồng trong thời gian cai nghiện, bên cạnh đó còn thể hiện sự không phân biệt, kỳ thị người nghiện ma túy của cộng đồng dân cư, đó là sự cảm thông, chia sẻ, sự giúp đỡ của cộng đồng đối với người nghiện trong quá trình cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa thực sự hiệu quả (cụ thể kết quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng năm 2017 chỉ đạt 80,5% kế hoạch/năm, 8 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 45,25% kế hoạch/năm).

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới trong các buổi làm việc của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương liên quan, UBND tỉnh sẽ báo cáo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ xem xét, sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 94/2010/NÐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.

Cử tri xã Phu Luông, Mường Lói (huyện Ðiện Biên) kiến nghị: Hiện nay việc chi trả phụ cấp cho các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong ở cấp xã được áp dụng theo Quyết định số 30/2011/QÐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội. Ðề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ bổ sung chức danh người đứng đầu của các tổ chức hội đặc thù ở cấp xã không phải là người đang hưởng lương hưu được hưởng chính sách theo Quyết định số 30/2011/QÐ-TTg để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng.

Trả lời:

Những người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên là đối tượng được hưởng chính sách thù lao và được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 41/2011/QÐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh về việc quy định mức thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 17/2012/QÐ-UBND ngày 26/7/2012 của UBND tỉnh về việc quy định mức thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh Phó Chủ tịch Hội cấp tỉnh, huyện, xã và Chánh Văn phòng Hội cấp tỉnh và tương đương tại các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh.

Ðối với những người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách hội đặc thù nhưng không phải là người đã nghỉ hưởng lương hưu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 7 Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NÐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NÐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NÐ-CP, cụ thể: “thực hiện theo thỏa thuận giữa hội với người công tác tại hội, bảo đảm tương quan trong nội bộ hội và theo quy định của Bộ luật Lao động, quy định của pháp luật có liên quan”. Như vậy, căn cứ quy định nêu trên và Ðiều lệ hội được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hội quy định cụ thể mức thù lao hàng tháng đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại hội nhưng không phải là người đã nghỉ hưởng lương hưu, bảo đảm tương quan nội bộ, công khai, dân chủ, minh bạch và theo quy định của Bộ luật Lao động, quy định của pháp luật có liên quan.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương xem xét.

Cử tri xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) kiến nghị: Ðề nghị Tòa án Nhân dân tăng cường việc xét xử lưu động về các địa phương, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Trả lời:

Công tác xét xử lưu động có đóng góp lớn cho công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo ra sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư ở địa phương; giúp cho nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp; nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe (trừng trị) và tính giáo dục, thuyết phục của phiên toà; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Với vai trò và ý nghĩa đó, trong thời gian qua tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Ðiện Biên luôn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và tập trung, quyết liệt chỉ đạo theo đúng như tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 trong Chương trình trọng tâm công tác hàng năm.

(Còn nữa)

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top